TGPL trong tố tụng, tuyên truyền nhiều nhưng chưa "thấm"

Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng (HĐLN) ở Trung ương hôm qua họp, góp ý vào dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch (TTLT) số 10 hướng dẫn về TGPL trong hoạt động tố tụng và Kế hoạch hoạt động của HĐLN ở Trung ương 6 tháng cuối năm 2011.

Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng (HĐLN) ở Trung ương hôm qua họp, góp ý vào dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch (TTLT) số 10 hướng dẫn về TGPL trong hoạt động tố tụng và Kế hoạch hoạt động của HĐLN ở Trung ương 6 tháng cuối năm 2011.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng kết luận phiên họp

Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Tạ Thị Minh Lý nhận định: Sau 3 năm triển khai TTLT cho thấy, việc ban hành TTLT là hết sức cần thiết, tạo cơ chế phối hợp có hiệu quả đối với công tác TGPL trong hoạt động tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Trung tâm TGPL nhà nước cơ bản đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình theo quy định của TTLT.

Số lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng tăng lên, bước đầu chất lượng vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên thực hiện tại các cơ quan tiến hành tố tụng được bảo đảm, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan sai, giảm bớt kháng cáo, kháng nghị, tăng cường pháp chế XHCN.

Tuy nhiên, cũng theo bà Lý, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như có địa phương chậm tổ chức triển khai TTLT; việc quán triệt Luật TGPL và TTLT cho người tiến hành tố tụng và người thực hiện TGPL chưa toàn diện; chất lượng vụ việc tham gia tố tụng chưa đồng đều; công tác kiểm tra hoạt động phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng của HĐLN ở Trung ương gặp khó khăn về nhân sự tham gia Đoàn kiểm tra; việc thống kê, báo cáo chưa đúng thời hạn… Trong đó, đáng chú ý nhất là khó khăn về kinh phí, gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động.

Cũng liên quan đến kinh phí, Phó Chánh án TANDTC Từ Văn Nhũ cho rằng, mức khoán kinh phí hiện nay đã lạc hậu, trong khi không phải địa phương nào cũng phát huy được tính chủ động nên kết quả chưa cao là dễ hiểu. “Không điều chỉnh kinh phí, khó hoạt động lắm. Có lẽ chúng ta không nên lấy một con số cụ thể mà nghiên cứu giải pháp nào đó để đỡ phải điều chỉnh hàng năm” - ông Nhũ kiến nghị.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) Trần Thế Quân thì kinh phí tập huấn, tuyên truyền các văn bản pháp luật nói chung và các văn bản về TGPL nói riêng, trong đó có TTLT chưa được bố trí riêng mà nằm trong kinh phí chi thường xuyên của các Bộ ngành. Vì vậy, mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa thấm vào đâu công tác tuyên truyền chưa thực sự được sâu rộng.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định, kết quả triển khai TTLT thời gian qua nhìn chung là tích cực. Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng sau 3 năm đã thực hiện được 18 nghìn vụ việc bằng hình thức tham gia tố tụng, chiếm khoảng 30% tổng số vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, giải quyết.

Về tổ chức, HĐLN ở Trung ương được chú trọng kiện toàn kịp thời, 63 tỉnh thành đã lập HĐLN ở địa phương, đa số đều ban hành Quy chế hoạt động. Tuy nhiên, một trong những hạn chế cần quan tâm là công tác tuyên truyền đã được các cơ quan thành viên tích cực làm nhưng vẫn chưa thấm nhuần như mới chỉ quán triệt TTLT cho cán bộ chủ chốt chứ chưa thực hiện đến tất cả người tiến hành tố tụng, còn không ít người dân chưa biết đến quyền được TGPL

Về kế hoạch 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng yêu cầu Tổ giúp việc HĐLN ở Trung ương liên hệ với các cơ quan thành viên để nhanh chóng kiện toàn khi một số lãnh đạo của các cơ quan sẽ chuyển công tác, nghỉ chế độ như VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Riêng về thể chế, theo Thứ trưởng, hiện Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung) và Luật Tố tụng Hành chính đã ghi nhận vai trò của Trợ giúp viên pháp lý.

Bởi thế, cần nghiên cứu đưa vào các luật tố tụng khác, Luật Khiếu nại tố cáo. Về kinh phí, Thứ trưởng đề nghị, ngoài hướng dẫn của HĐLN ở Trung ương, các ngành cần có hướng dẫn trong nội bộ ngành mình. “Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 81, sẽ cố gắng đưa nội dung chi cho hoạt động của HĐLN ở Trung ương vào thông tư sửa đổi này” – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh.

Hoàng Thư

Đọc thêm