Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao trách nhiệm của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), các đơn vị thuộc Tổng cục và Cục THADS Tây Ninh trong tổ chức hội nghị cũng như tinh thần thẳng thắn nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân.
Thứ trưởng cũng đánh giá THADS Tây Ninh đã đạt được một số kết quả trong công tác, năm 2016 đã đạt xấp xỉ chỉ tiêu về việc và tiền, số việc chuyển kỳ sau giảm; đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, một số công việc khác có chuyển biến.”Trong bối cảnh số việc và tiền của Tây Ninh không ngừng tăng cao, nguồn nhân lực còn hạn chế thì kết quả này cũng rất đáng ghi nhận”, Thứ trưởng nói.
Tuy nhiên, với việc Tây Ninh luôn xếp ở vị trí tốp cuối trong 63 Cục THADS các tỉnh, thành trên cả nước, công tác cán bộ chưa được kiện toàn, nhiều cán bộ còn bị xử lý kỷ luật, quy trình nghiệp vụ còn nhiều sai phạm, việc kê biên, bán đấu giá thậm chí có tình trạng “sân sau, móc ngoặc” dẫn đến người dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp… là những điều Thứ trưởng hết sức lo lắng.
Dẫn thông điệp của Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân doanh nghiệp”, Thứ trưởng yêu cầu Tây Ninh bằng mọi giải pháp phải hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu đạt trên 70% về việc và trên 30% về tiền, giảm án chuyển kỳ sau, cải thiện chỉ số xếp hạng. Để đạt được điều đó, nhiều giải pháp căn cơ, thiết thực đã được Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chỉ ra và yêu cầu Tây Ninh nghiêm túc thực hiện.
Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, Cục THADS Tây Ninh phải đổi mới, linh hoạt hơn trong công tác chỉ đạo điều hành, hướng về cơ sở; sâu sát, quyết liệt và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, làm tốt công tác biệt phái, luân chuyển, điều động cán bộ, ưu tiên tăng cường cho những địa bàn nhiều án, án phức tạp.
Đối với những trường hợp cán bộ tiêu cực, sai phạm, thiếu trách nhiệm, yếu kém, Thứ trưởng nói rõ quan điểm “phải thay thế”. Tổng cục THADS cần quan tâm, phối hợp giúp Tây Ninh trong công tác cán bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo, mạnh dạn đề xuất tuyển dụng, đề bạt các cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm. Trong điều kiện thiếu nguồn nhân lực như hiện nay, Tây Ninh cần chủ động tạo nguồn, có thể xem xét các địa bàn lân cận để bổ nhiệm một số vị trí lãnh đạo giúp Cục trưởng trong chỉ đạo, điều hành. Các chấp hành viên cần mạnh dạn đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, tránh bị “đồng hóa”.
Thứ trưởng cũng lưu ý, Cục THADS Tây Ninh cần tăng cường kết nối với các đơn vị thuộc Tổng cục, có vấn đề phát sinh phải phối hợp giải quyết ngay; cần tăng cường công tác tiếp dân, hạn chế không để phát sinh các vụ việc mới. Với các vụ việc phức tạp cần phải có kế hoạch cụ thể để giải quyết theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thời gian, trách nhiệm. Cục trưởng, Chi cục trưởng phải tiếp công dân định kỳ. Cục THADS phải tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp với các ngành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính…
Theo “khắc họa” của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành tại buổi làm việc trực tuyến thì Tây Ninh là địa bàn có lượng án phải thi hành rất lớn, tuy nhiên nguồn nhân lực lại cực kỳ thiếu hụt, cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều vi phạm trong hệ thống đến nay chưa khắc phục được. Nhiều năm, THADS Tây Ninh bị xếp hạng rất thấp. Mặc dù lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm, tuy nhiên sự chuyển biến trong công tác ở Tây Ninh chưa nhiều. Do đó, buổi làm việc trực tuyến là dịp để các chấp hành viên, người làm quản lý đề xuất, hiến kế các giải pháp đưa Tây Ninh vượt lên khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Là chấp hành viên mới được bổ nhiệm, ông Nguyễn Phương Bắc đưa ra con số “đáng giật mình”, mỗi năm 1 chấp hành viên phải giải quyết hơn 760 việc. “Riêng tống đạt, xác minh chúng tôi đã làm không xuể”, ông Bắc nói và đề nghị cần bổ sung thư ký để giảm áp lực công việc.
Còn ông Hoàng Trọng Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục THADS Dương Minh Châu cho rằng: “Cần đeo bám địa bàn, chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, với cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét tinh giảm”. Trưởng phòng kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo thì đề xuất “tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp, tập trung phân loại đơn thư, đảm bảo đúng thời hạn, tiến độ. Trong điều kiện con người ít, kinh nghiệm không nhiều thì phải tự mình nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm…”.
Làm rõ hơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Phương Hoa cho rằng, Tây Ninh là địa phương được quan tâm nhất cả nước. Điển hình trong khi các đơn vị khác phải cắt giảm biên chế thì năm 2016 (khả năng cả năm 2017) số biên chế của Tây Ninh vẫn giữ nguyên.
Tỷ lệ chấp hành viên của Tây Ninh cũng cao hơn nhiều địa phương, lại có đội ngũ chấp hành viên biệt phái “tiếp sức”. Bà Hoa chỉ ra nhiều giải pháp cho Tây Ninh trong công tác cán bộ, trong đó có việc tăng cường kiểm tra, kiên quyết với xử lý sai phạm. Trước mắt, Cục THADS nên rà soát lại đội ngũ cán bộ trên mọi phương diện để xem xét bố trí cho phù hợp.