Không chỉ vậy, hiện nay cháu Hạnh đã bị hai cấp Tòa quyết định áp dụng biện pháp “đưa vào trường giáo dưỡng” vì cho rằng cháu đã trộm cắp tài sản. Nhưng với hồ sơ “lởm khởm” như hiện nay thì việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính này đang có dấu hiệu oan sai.
Giám hộ ký sau
Theo Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng của TAND huyện Tiền Hải và TAND tỉnh Thái Bình, trong tháng 6 và tháng 8/2015, cháu Hạnh đã có 3 lần trộm cắp gà vịt tại địa phương. Ngày 25/8/2015, Chủ tịch UBND xã Tây Ninh đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với cháu Hạnh. Đến tháng 9 thì cháu Hạnh lại có 2 lần vào nhà dân để bắt trộm gà. Chính vì vậy, Công an huyện Tiền Hải đã lập hồ sơ, đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa cháu vào trường giáo dưỡng.
Nhưng hồ sơ vụ việc lại cho thấy nhiều cơ quan đã có sai sót nghiêm trọng, dẫn đến dấu hiệu oan sai khi “đẩy” cháu Hạnh vào trường giáo dưỡng. Trước hết là việc cháu Hạnh không hề có người giám hộ khi được công an xã lấy lời khai cũng như tại phiên họp của Tòa án mặc dù cháu chưa đủ 15 tuổi.
Trao đổi với phóng viên, cháu Hạnh khẳng định khi công an xã lấy lời khai đối với cháu đều không có ai giám hộ. Còn bản thân cháu không gây ra 3 vụ trộm gà, vịt vào tháng 6 và tháng 8 nhưng vẫn bị công an xã bắt phải khai nhận. Cháu cũng đã nói điều này tại tòa nhưng Thẩm phán không xem xét.
Chị Nguyễn Thị Là (mẹ đẻ cháu Hạnh) cũng khẳng định việc mình không hề được giám hộ cho cháu Hạnh và cho biết thêm: “Một lần, ông Tuấn - Trưởng Công an xã đưa cho mấy tờ giấy rồi nói tôi ký vào để bảo lãnh cho cháu Hạnh được giáo dục tại địa phương nên tôi đã ký vào đó”.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Công an xã Tây Ninh thừa nhận việc công an xã đã làm việc với cháu Hạnh mà không có giám hộ và cho biết: “Có một lần vào tháng 9, tôi có lấy lời khai của tất cả các lần trộm cắp của cháu Hạnh rồi để chị Là ký giám hộ một thể”.
Hồ sơ “khống”?
Không có giám hộ đồng nghĩa với việc những lần lấy lời khai của cháu Hạnh đều không có giá trị pháp lý. Hơn nữa, cháu Hạnh còn phủ nhận 3 vụ trộm cắp gà, vịt vào tháng 6, tháng 8/2015. Không hiểu căn cứ vào đâu để ngày 25/8/2015, UBND xã Tây Ninh ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với cháu này? Rồi đến tháng 9, công an xã mới cho chị Là ký để “hợp thức hóa” hồ sơ.
Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Hòa Lợi, Hà Nội) cho hay, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 81/2013/NĐ-CP (hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính) và Điều 2, Điều 16, Điều 18 Nghị định 111/2013/NĐ-CP (quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn) thì việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với trường hợp như cháu Hạnh trên đây chỉ được thực hiện khi cháu đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về hành vi trộm cắp trong 6 tháng, và cũng chỉ áp dụng khi không đủ điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Về thủ tục, việc lập hồ sơ phải được thông báo cho cháu Hạnh hoặc bố mẹ cháu. Cháu và bố mẹ cháu phải được mời dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã.
Tuy nhiên, theo hồ sơ của công an xã, của Tòa án và thông tin từ gia đình thì tất cả những thủ tục cần thiết trên đều không có, không thể hiện và quyết định ngày 25/8/2015 cũng không có số.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thi (bà ngoại cháu Hạnh) thì nghi vấn “hồ sơ” của cháu Hạnh đã bị tạo dựng “khống” bởi cháu Hạnh không một lần nào bị xử phạt VPHC về việc trộm cắp; gia đình không được thông báo về việc lập hồ sơ, không được mời dự họp; không biết việc cháu bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, không nhận được quyết định ngày 25/8/2015, không được khiếu nại quyết định này, không biết ai là người được giáo dục cháu…
Liệu quyết định có bị làm “khống” như nghi vấn của bà Thi? Và giả sử quyết định không số này được ban hành ngày 25/8/2015 thì với sự “lởm khởm” như trên, quyết định này cũng cần phải hủy bỏ và không thể là cơ sở để áp dụng một biện pháp giáo dục “mạnh tay” hơn với cháu Hạnh là “đưa vào trường giáo dưỡng” được?
Vụ việc “6 không”?
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì cháu Hạnh chỉ bị áp dụng biện pháp “đưa vào trường giáo dưỡng” khi đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã nhưng tiếp đó còn ít nhất hai lần bị xử phạt VPHC về hành vi trộm cắp trong 6 tháng (tức là đã giáo dục tại xã nhưng không có tiến bộ).
Nhưng hồ sơ thể hiện, từ ngày 25/8/2015, cháu Hạnh không hề bị xử phạt hành chính một lần nào. Còn đối với Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã thì không hề thấy triển khai thực hiện, tức là không giao quyết định, không thông báo cho gia đình, không có quyết định phân công người trực tiếp giúp đỡ cháu Hạnh; không có kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ cháu tiến bộ; không có báo cáo hàng tháng về việc giáo dục… theo quy định.
Với hồ sơ “5 không” (không người giám hộ, không xử phạt hành chính, không số quyết định, không giao nhận quyết định, không thực hiện giáo dục tại xã) như trên, chẳng lẽ TAND huyện Tiền Hải và TAND tỉnh Thái Bình không phát hiện ra, rồi vội vàng quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với cháu Hạnh? Đã vậy, cả hai cấp tòa còn không yêu cầu Đoàn Luật sư phân công Văn phòng Luật sư cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu Hạnh (người chưa thành niên) theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, đẩy vụ việc thành “6 không” với nhiều dấu hiệu oan sai./.