Rách mũi sau khi làm việc với công an
Trình bày với phóng viên, cháu Hạnh kể: “Khoảng hơn 7h tối ngày 22/10/2015, khi đang chơi ở nhà văn hóa thôn thì ông Dũng (Phó Trưởng Công an xã) cùng một người tên Hùng đến yêu cầu cháu lên xe máy, đưa ra trụ sở công an xã làm việc về vụ trộm cắp xảy ra trước đó.
Tại đây, cháu bị ông Dũng tát và ném dép vào mặt rồi quát “sao mày dám trốn tao”. Sau đó, cháu còn bị một công an (cháu không biết tên, chỉ biết gia đình hay đi làm cỗ cưới thuê) đấm vào mặt, vào ngực và lôi lên tầng 2.
Một lúc sau thì ông Tuấn, Trưởng Công an xã đến tát nhiều cái khiến cháu bị chảy máu mũi rất nhiều. Ông Phó Trưởng công an xã liền đưa cháu ra trạm xá lau rửa vết thương. Sau khi đưa cháu về trụ sở công an nằm một lúc họ mới đưa cháu về nhà. Lúc đó khoảng 11h đêm”.
“Ngay sáng hôm sau, gia đình thấy cháu Hạnh khó thở, khó chịu và kêu đau nên đã đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Tiền Hải khám và điều trị. Tại đây, các bác sỹ xác định cháu bị “sai khớp sụn vách mũi”.
Sau 1 tuần điều trị, cháu Hạnh được xuất viện nhưng vẫn tiếp tục dùng thuốc và phải mang một vết sẹo dài ngay sống mũi”- chị Nguyễn Thị Là, mẹ cháu Hạnh cho hay.
Thừa nhận chuyện cháu Hạnh bị thương tích sau khi làm việc tại công an xã vào tối 22/10, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Công an xã Tây Ninh phủ nhận chuyện công an đánh người và cho hay: “Tại trụ sở công an xã, trong khi chúng tôi đưa cháu từ tầng 2 xuống tầng 1 để làm việc thì có đối tượng Tô Hải Nam xông vào tát Hạnh một cái khiến cháu bị đập mặt vào tường gây chảu máu mũi.
Nguyên nhân là do Nam nghi ngờ Hạnh lấy trộm điện thoại ở quán game của người thân. Sau đó, đối tượng Nam đã… chạy mất.
Còn chúng tôi thì đưa cháu Hạnh vào trạm y tế xã điều trị vết thương do cháu bị chảy nhiều máu. Đến hơn 22h thì chúng tôi đưa cháu về nhà”.
Vi phạm nghiêm trọng khi làm việc với trẻ em
Trước câu hỏi trách nhiệm của công an xã trước vụ việc này như thế nào, ông Tuấn thừa nhận: “Sự việc xảy ra tại trụ sở công an, trong thời gian cháu Hạnh do chúng tôi quản lý nên chúng tôi nhận lỗi trong việc đảm bảo an toàn cho cháu”.
Tuy nhận lỗi như vậy nhưng theo bà Hoàng Thị Thi (SN 1946, bà ngoại cháu Hạnh): “Trong hơn hai tháng qua, ông Tuấn không hề hỏi han đến sức khỏe của cháu, cũng không có động thái nào nhằm nhận trách nhiệm của mình mà chỉ duy nhất 1 lần đến thăm vào chiều ngày cháu nhập viện.
Chuyện ông Tuấn đánh cháu hay một đối tượng tên Nam nào đó đánh cháu cần phải làm rõ xem có việc “nhận tội thay” hay không vì đến nay cháu tôi vẫn khẳng định bị ông Tuấn đánh”.
Cháu Hạnh khi đang điều trị “sai khớp sụn vách mũi” ở bệnh viện. |
Lý giải về việc triệu tập cháu Hạnh lên trụ sở làm việc, ông Tuấn cho hay: “Do trong ngày 22/10, địa phương xảy ra một số việc (trộm cắp) nên công an xã đến trường và nhà để triệu tập cháu Hạnh đến làm việc nhưng không gặp.
Tối 22/10, khi công an đến nhà thì mẹ cháu cho biết cháu đang chơi ở nhà văn hóa thôn nên chúng tôi đã tìm và yêu cầu cháu Hạnh lên xã làm việc”.
Như vậy, cháu Hạnh không hề có hành vi vi phạm quả tang, tại sao công an xã lại yêu cầu cháu lên trụ sở làm việc vào ban đêm, lại không có người giám hộ? Đây là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của trẻ em. Nếu tuân thủ quy định thì liệu có xảy ra việc cháu Hạnh bị rách mũi tại trụ sở công an như trên?
Như thừa nhận của ông Tuấn thì mẹ cháu Hạnh có mặt ở nhà và công an xã có gặp chị này. Mặt khác, giữa nhà văn hóa thôn, trụ sở công an xã và nhà cháu Hạnh chỉ cách nhau một đoạn ngắn, tại sao công an xã lại cố tình “lờ” người giám hộ trong việc lấy lời khai vào ban đêm này?
Bỏ lọt tội phạm?
Về hành vi đánh người của đối tượng Nam, ông Tuấn cho rằng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Nam 500.000 đ. Nếu vậy thì đây lại là một sai sót nữa của Công an xã Tây Ninh.
Trong khi cháu Hạnh là trẻ em, việc đánh người có yếu tố côn đồ (cũng chưa xác định tỷ lệ thương tích của cháu Hạnh là bao nhiêu), tức là vụ việc có dấu hiệu của tội “cố ý gây thương tích” thì tại sao công an xã lại không chuyển hồ sơ lên công an huyện để xem xét khởi tố vụ án mà lại vội vàng “hành chính hóa” hành vi đánh người của đối tượng Nam?
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Trần Công Dân, Phó Trưởng Công an huyện Tiền Hải cho hay: “Những sai sót của Công an xã Tây Ninh, chúng tôi sẽ yêu cầu kiểm điểm và tiến hành rút kinh nghiệm”.
Tuy nhiên, khi được hỏi “hình thức kiểm điểm có tương xứng với 3 sai phạm nghiêm trọng là làm việc ban đêm, không người giám hộ và để xảy ra thương tích” thì ông Dân cho rằng “sẽ yêu cầu công an xã báo cáo, giải trình”.
Còn về việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi không xem xét khởi tố vụ án cố ý gây thương tích, Thượng tá Dân cho hay: “Do hiện nay gia đình cháu Hạnh không hợp tác, công an mời lên làm việc nhưng không lên?”.
Lý do này liệu có hợp lý khi mà thời gian qua, gia đình cháu Hạnh liên tục có đơn đề nghị xử lý những người đã gây ra thương tích cho con, cháu mình?/.