Trải qua nhiều lần đổi mới, lâm trường quốc doanh (LTQD) mà nay gọi là công ty lâm nghiệp dường như vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”. Các LTQD không những chưa khắc phục được những yếu kém để thích ứng với nền kinh tế thị trường mà nhiều lâm trường còn bộc lộ những tiêu cực nghiêm trọng. Mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường với người dân địa phương ngày càng trở nên nhức nhối.
Công sức nhiều, thành quả ít
Hơn 150 hộ dân tại thôn Bãi Vàng, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên từ bao đời nay vẫn chỉ biết bám vào mảnh rừng để làm kế sinh nhai. Từ năm 1997, thực hiện theo chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi - PV) các hộ dân ở đây nhận đất rừng để phát triển lâm nghiệp, cải thiện đời sống.
Năm 1998, Lâm trường Đồng Hỷ căn cứ vào Quyết định số 08 UB – QĐ ngày 09/01/1992 của UBND tỉnh Bắc Thái về việc giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế để quản lý và sử dụng.
Theo đó, các hộ dân tại thôn Bãi Vàng được nhận hồ sơ giao đất, giao rừng – quen gọi là “sổ xanh” với thời gian sử dụng đất rừng là 50 năm. Các hộ dân ở đây bắt đầu nhận khoán đất từ Lâm trường Đồng Hỷ sau đó được chuyển đổi thành Cty TNHH MTV Ván dăm Thái Nguyên.
Tháng 05/2013, Cty TNHH MTV Ván dăm Thái Nguyên giải thể. Hiện tại, hàng trăm hộ dân tại thôn Bãi Vàng đang nhận khoán đất lâm nghiệp, chịu sự quản lý của Cty Lâm nghiệp Thái Nguyên.
Theo phản ánh của người dân thôn Bãi Vàng, từ năm 2013 đến nay, Cty Lâm nghiệp Thái Nguyên áp mức khoán quá cao đối với người dân mà không hề có sự trao đổi hay bất kỳ cuộc họp nào về việc thương thảo hợp đồng.
Người dân cho rằng, việc giao khoán chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
Hợp đồng giao khoán khoán trồng , chăm sóc và bảo vệ rừng giữa Công ty Lâm Nghiệp Thái Nguyên và người dân thôn Bãi Vàng |
Cụ thể, mục tiêu của việc giao khoán được Nghị định 135/2005 quy định về giao khoán đất trồng rừng sản xuất nêu rõ là: “Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên nhận khoán, bên giao khoán và Nhà nước; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn”.
Điểm 4, điều 4, nghị định 135/2005 quy định 1 trong những nguyên tắc cơ bản của việc giao khoán đất là phải đảm bảo: “Tự nguyện, công khai, dân chủ và bình đẳng giữa bên giao khoán và bên nhận khoán”.
Trên thực tế, Cty Lâm nghiệp đầu tư một phần tiền nhân công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và giống cây trồng... năm đầu với tổng số tiền mỗi hộ nhận được là 1.950.000 đồng/ha.
Thế nhưng tới cuối chu kỳ trồng rừng (từ 5-7 năm) người dân ở đây phải trả cho Cty tối thiểu là 33m3 gỗ cây đứng/ha. Riêng đối với loài cây keo lai mô, hộ nhận khoán phải trả cho cty 40m3 gỗ cây đứng/ha/chu kỳ.
Gia đình ông Nguyễn Đức Tính (thôn Bãi Vàng, xã Hợp Tiến) cho biết, trung bình mỗi chu kỳ người dân trong thôn chỉ thu được 50 - 80 triệu đồng/ha rừng, trong khi đó tính theo mức khoán hiện tại, Cty Lâm nghiệp Thái Nguyên đã thu mất của người dân từ 20 – 23 triệu đồng/ha rừng.
“Sau mỗi chu kỳ thu hoạch, chúng tôi lấy lại chỉ đủ phần gốc còn lãi không đáng bao nhiêu vì mức khoán của Cty lâm nghiệp quá cao. Người dân chúng tôi từ lúc trồng cho tới lúc thu hoạch phải quần quật làm tất cả, từ phát thực bì, đào hố, trồng cây, bón phân.... đằng đẵng suốt 5 - 7 năm trời, tính ra chi phí lên tới 25 – 30 triệu đồng/ha/ chu kỳ. Chúng tôi bức xúc khi công ty bỏ ra vốn chưa tới 2 triệu đồng/ha nhưng lại thu tới 20 triệu đồng/ha/chu kỳ”, ông Tính bức xúc lên tiếng.
Trong khi đó, theo điểm b, c khoản 1 điều 16 Nghị định 135/2005/NĐ – CP:“b) …Khi thai thác gỗ bên nhận khoán được hưởng tỉ lệ sản phẩm tương ứng với vốn và công sức bỏ ra theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng;
Nghị định 168/2016/NĐ – CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2017 đã không còn quy định các mô hình giao khoán để các bên thỏa thuận lựa chọn, mà hoàn toàn cho các bên tự do xây dựng mô hình giao khoán để hợp tác và chia sẻ lợi ích.
Cùng chung tâm trạng như ông Tính, bà Trần Thị Nhắc (thôn Bãi Vàng, xã Hợp Tiến) bày tỏ: “Dân ở đây, những người ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số và công nhân cũng chiếm quá một nửa, cũng cống hiến cho lâm trường nhiều rồi. Người dân chúng tôi chỉ mong muốn sao nhà nước giao đất thẳng cho dân tự làm, phát triển kinh tế cho gia đình. Nếu vẫn làm việc với công ty thì chúng tôi mong muốn có quyền dân chủ, cả hai bên cùng bàn bạc ký kết chứ không áp đặt mức khoán quá cao như thế này”.
“Luật ngầm” nơi đất rừng
Không chỉ chịu mức khoán cao, vào mỗi kỳ thu hoạch người dân nơi đây còn phải đóng một số khoản tiền quen gọi là tiền đường. Vào mỗi chu kỳ thu hoạch mỗi hộ dân phải nộp cho Đội Lâm nghiệp Hợp Tiến (thuộc Cty Lâm nghiệp Thái Nguyên) thêm 700 nghìn đồng/ha và 30.000 đồng/m3gỗ.
Đáng chú ý, số tiền này không hề có trong hợp đồng giao khoán mà các hộ dân ký với Cty Lâm nghiệp. Khi người dân nộp khoản tiền này cũng không hề bất cứ phiếu thu hay hóa đơn nào.
Hồ sơ hồ sơ giao đất, giao rừng – sổ xanh của người dân thôn Bãi Vàng |
“Nếu không nộp sẽ không đưa được gỗ khai thác ra ngoài”, chị Đàm Thị Huân (thôn Bãi Vàng, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) bức xúc chia sẻ. Cũng theo phản ánh của người dân, mặc dù hàng năm, số tiền thu được không hề nhỏ nhưng việc hầu như không được sửa chữa.
“Đường mà chúng tôi vận chuyển gỗ là đường dân sinh chứ không phải đường của công ty làm. Đội lâm nghiệp thu tiền đường nhưng dân phải tự bỏ tiền ra để thuê mấy múc, xúc lên làm đường. Dân tôi thấy khổ quá còn huy động mỗi người 200 nghìn đồng để sửa đường”, ông Tính bức xúc cho biết.
Trong văn bản số 376 CV/ CT – LN của Cty CP Lâm nghiệp Thái Nguyên trả lời người dân nêu: “Về việc nộp 700.000 đồng/ha và 30.000 đồng/m3 gỗ khi khai thác rừng: Công ty đã yêu cầu Đội Lâm nghiệp Hợp Tiến báo cáo về việc này. Đội Lâm nghiệp Hợp Tiến cho biết: Đó là số tiền từng hộ dân hoặc người mua rừng tự thỏa thuận với Đội Lâm nghiệp để tu sửa đường Lâm nghiệp và đi làm hồ sơ khai thác cấp phép khai thác”.
Nhưng theo người dân thôn Bãi Vàng, câu trả lời của Cty Lâm nghiệp Thái Nguyên về vấn đề này là không thỏa đáng. Bởi việc Đội lâm nghiệp Hợp Tiến thu những khoản tiền nói trên đã diễn ra trong nhiều chu kỳ trồng rừng của người dân. Phải đến sau khi người dân có đơn kiến nghị việc thu tiền đường vô lý mới dừng lại. Vậy số tiền này đã đi đâu, có được thu về công ty, nộp vào ngân sách hay rơi vào túi ai?
Cơ quan chức năng cần vào cuộc
Trao đổi về những vấn đề bức xúc của người dân tại thôn Bãi Vàng, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Đồng Hỷ cho biết, UBND huyện sau khi nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân cũng đã tổ chức tìm hiểu và đối thoại với người dân.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân xóm Bãi Vàng, phóng viên báo đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Nguyễn Mạnh Đoan – Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Vì chúng tôi chỉ là chi nhánh của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam nên để trả lời cơ quan báo chí phải được sự đồng ý của Tổng công ty. Sau khi đợi Tổng công ty phê duyệt thì sẽ trả lời bằng văn bản tới cơ quan báo chí”.