Thẩm phán phong tình và tham tiền

(PLO) - Trong tuần này, hai tin xuất hiện cùng một ngày, cùng về hai vị thẩm phán cùng chức vụ ở một tòa án tỉnh, cùng hành vi vi phạm  pháp luật và vi phạm đạo đức, lối sống của người cán bộ nhà nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tin thứ nhất là Thẩm phán, Chánh tòa Hình sự tát một phụ nữ trong khách sạn và với hành vi dùng vũ lực này bị phạt hành chính 2,5 triệu đồng. Nguyên nhân khiến ông nổi giận đến không kiềm chế nổi là khi ông đang vui vẻ với một người phụ nữ khác thì chị này xông vào đánh ghen và ông tát cảnh cáo sự ghen tuông đó.

Dân địa phương thâu tóm câu chuyện này là “ghệ” cũ ghen “ghệ” mới, ông Chánh tòa bênh “ghệ” mới, phụ tình “ghệ” cũ nên thẳng tay với chị này. Ngoài cái chuyện phong tình của ngài Thẩm phán ra, bạn đọc cả nước thêm một hiểu biết về ngôn ngữ địa phương: “Ghệ” tức là bồ, mèo hoặc tình nhân như cách gọi thông thường, phổ biến. Có lẽ, ông sẽ phải khốn khổ vì cái tát này, xuất phát từ sự ghen tuông của hai “ghệ”.

Câu chuyện thứ hai xảy ra trước đó, nhân vật chính là ông Thẩm phán, Chánh tòa Dân sự vòi vĩnh hối lộ nhằm “chạy án”. Đương sự đã nộp 50 triệu nhưng ông muốn vòi thêm và sự việc vỡ lở. Sở dĩ tin tức xuất hiện cùng ngày với cái tát của ông Chánh tòa Hình sự vì ông “Dân sự” này mới bị kỷ luật khai trừ Đảng. Rất tiếc cho ông vì vài chục triệu đã đánh đổi cả sự nghiệp “cống hiến” cho ngành Tòa án của mình, song cũng rất coi thường ông vì hành vi vòi vĩnh chạy án và sự tham lam không giới hạn của ông.

Cái cách hành xử của hai ông Thẩm phán, Chánh tòa này làm xấu đi hình ảnh của người thẩm phán rất nhiều đã đành nhưng mối nguy hiểm cho xã hội mà các ông tạo ra còn ghê gớm hơn: Người ta không tin vào đạo đức, tư cách, phẩm chất của những người nhân danh nhà nước “cầm cân, nảy mực”, bảo vệ công lý, nhất là các ông lại giữ chức vụ cao – phải trải qua quá trình phấn đấu mới có được khiến có cơ sở để nghi ngờ về việc các ông rèn luyện bản thân và cái quy trình bổ nhiệm các ông.

Cái hiện tượng thẩm phán đi với vợ đương sự hoặc phụ nữ đang đệ đơn ly hôn vào nhà nghỉ hoặc quán cà phê chòi lá chẳng phải hy hữu gì, có ông bị rình bắt quả tang, có ông còn bị đánh và sau đó là sự nghiệp của các ông tiêu tan. Bài học nhãn tiền đó mà các ông không biết rút kinh nghiệm một cách sâu sắc sao, hay tại môi trường tạo điều kiện thuận lợi, quá dễ dàng nên các ông tự buông thả mình?

Nghề nào thì cũng cần có đạo đức nghề nghiệp nhưng đối với một số nghề đòi hỏi những quy chuẩn xử sự, quy tắc đạo đức cao hơn do yêu cầu, tính chất của nghề nghiệp đó. Thẩm phán là một nghề như vậy nên khi anh đã vi phạm thì cần xử lý đến nơi, đến chốn và thật nghiêm khắc, mang tính răn đe để những đồng nghiệp trông vào đó mà giữ mình! 

Đọc thêm