Tháng Công nhân - niềm vui mỗi tháng 5 về

(PLVN) - Lúc sinh thời, cùng với việc chú trọng nâng cao vai trò, năng lực và tính tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc chăm lo, bảo vệ sức khoẻ cho đội ngũ công nhân. Mặc dù bận trăm công nghìn việc với cương vị là Chủ tịch nước, Người vẫn dành nhiều thời gian đi thăm hỏi và chỉ bảo cán bộ, công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp. Người ân cần chăm lo đời sống và sức khỏe của công nhân bằng một tấm lòng của một người cha già nhân hậu đối với con cháu trong nhà...
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội ngày  19/5/1955.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội ngày 19/5/1955.

Cho đến ngày nay tư tưởng đó, việc làm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối. Để hàng năm, cứ mỗi tháng 5 về, hàng triệu công nhân trên cả nước lại hồ hởi đón mừng “tháng của mình”, như thế hệ cha anh họ ngày xưa đã vui mừng đón Bác mỗi khi Người đến thǎm hỏi và chỉ bảo cán bộ, công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp.

Mong rằng tháng nào cũng là Tháng Công nhân

Cảm xúc về ngày hội lớn của công nhân luôn náo nức trong lòng, chị Trịnh Thị Khuyên, công nhân Công ty Sumitomo ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội cho biết: “Chúng em là công nhân trực tiếp sản xuất, vì điều kiện kinh tế và thời gian eo hẹp ít có dịp được xem những buổi biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu.

Khi được tham dự Lễ phát động Tháng Công nhân, được xem các nghệ sĩ biểu diễn, chúng em rất vui, phấn khởi được hòa mình vào không khí thật tưng bừng, náo nhiệt để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Chúng em còn được giao lưu, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, được khám sức khỏe, tư vấn pháp luật miễn phí. Em cảm thấy đó đúng là một ngày hội lớn của công nhân lao động. Vui lắm!”. 

Cách Hà Nội cả nghìn cây số nhưng chị Nguyễn Thị Minh, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng như hòa chung niềm vui ấy. “Nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho công nhân lao động thời gian qua đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn thành phố đối với đoàn viên, người lao động. Đó chính là nguồn động lực khích lệ đội ngũ công nhân lao động chúng tôi hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lao động với chất lượng và hiệu quả cao” – chị cho biết. 

Không chỉ mang lại niềm vui, Tháng Công nhân còn là cứu cánh, điểm tựa cho nhiều cá nhân, gia đình công nhân khó khăn. Một năm đã trôi qua nhưng anh Nông Quang Khải, công nhân Công ty TNHH Denso Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long vẫn bồi hồi khi nhớ lại món quà mình được trao tặng vào Tháng Công nhân năm 2019.

“Từ Yên Bái xuống Hà Nội mưu sinh, chúng tôi đã phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng với sự quan tâm, giúp đỡ của tổ chức công đoàn đã giúp chúng tôi có thêm động lực, thêm cơ hội để vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tôi mong rằng, trong Tháng Công nhân năm nay, sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực để các công nhân có hoàn cảnh như tôi cùng được đón nhận sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn”, anh Khải nói. 

Gia đình chị Ma Thị Ngọc, công nhân Công ty TNHH Toyoda Gosei, Hải Phòng rất khó khăn khi bản thân chị bị ung thư tử cung giai đoạn 3. Một tuần, chị Ngọc phải trải qua 5 lần xạ trị tại Bệnh viện K, mỗi đợt xạ trị chi phí hàng chục triệu đồng.

Chia sẻ khó khăn với chị Ngọc, ngay sau khi biết bệnh tình của chị, Công đoàn Công ty đã vận động đoàn viên, người lao động ủng hộ kinh phí chữa bệnh cho chị, số tiền cả hai lần quyên góp là hơn bảy chục triệu đồng. Giữa đại dịch Covid-19, đời sống của nhiều người rất khó khăn, nhưng trước hoàn cảnh quá éo le của chị Ma Thị Ngọc, niềm hy vọng giúp chị Ngọc vượt qua nỗi đau bệnh tật vẫn được trao tặng.

 “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, chồng lại mất, đời sống kinh tế rất khó khăn. Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, tôi tranh thủ làm thêm 2 sào ruộng khoán và chăn nuôi, tráng bánh tráng để có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt phí hàng ngày và lo cho các con được đến trường. Thật cảm động và hạnh phúc khi tôi được Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn”.

Tôi rất biết ơn công đoàn đã quan tâm, hỗ trợ cho cuộc sống gia đình tôi được ổn định hơn, giúp tôi yên tâm công tác, chi tiêu tiết kiệm để chăm lo tốt hơn cho các con, không còn lo lắng vì những đợt mưa phùn, nắng gắt” - chị Trần Thị Thu Hòa, đoàn viên Công đoàn xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ đã kể câu chuyện của mình như thế…

Còn rất, rất nhiều câu chuyện vui, cảm động được kể trong Tháng Công nhân này mà không giấy bút nào có thể kể hết. Mong rằng câu nói của anh Võ Ngọc Hoàng - công nhân bốc xếp 5, Công ty Cổ phần Cảng Thị Nại, tỉnh Bình Định sẽ phần nào nói hộ được hết những niềm vui đó: “Được nhận quà hỗ trợ, tôi và nhiều công nhân khác thấy hạnh phúc. Tôi mong rằng hằng tháng đều là Tháng Công nhân để sự quan tâm, hỗ trợ của công đoàn ngày càng tốt hơn cho người lao động, nhất là đời sống của công nhân khó khăn”.

Thủy chung một tấm chân tình

Như đã nói trên, cho đến ngày nay tư tưởng đó, tư tưởng chǎm lo, bảo vệ sức khoẻ cho đội ngũ công nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối. Vì thế, có thể nói, sau 8 năm tổ chức (từ năm 2012), Tháng Công nhân trong cả nước đã thực sự trở thành những ngày hội lớn, để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ đối với công nhân lao động mà còn với doanh nghiệp và toàn xã hội.

Thậm chí, năm nay dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhưng không vì thế mà những tấm chân tình đó bị ảnh hưởng. Tại Hải Phòng, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng thăm, trợ cấp 7 công nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trao quà tặng một hộ nghèo trên địa bàn với tổng số tiền 65 triệu đồng. Hơn 4 tấn gạo được Liên đoàn Lao động quận Lê Chân trao tận tay công nhân mất việc, giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ việc không lương nhiều tháng liền do dịch bệnh…

Chia sẻ ấn tượng về các hoạt động của Tháng Công nhân, hầu hết các công nhân ở tất cả các tỉnh, thành đều cho biết họ rất xúc động, tự hào khi Nhà nước, chính quyền địa phương, tổ chức Công đoàn và các cấp, ngành đã dành hẳn một tháng cao điểm để quan tâm, chăm lo cho công nhân.

Điều đó cho thấy, tổ chức Công đoàn và các cấp, ngành đặc biệt trân trọng, ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ công nhân. Bên cạnh đó, các công nhân cũng thấy rõ trách nhiệm phải cố gắng hoàn thiện mình hơn với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn cũng như các cấp, ngành.

Như lời của anh Bùi Thanh Vũ - công nhân Công ty TNHH NewHope Bình Định: “Cảm giác thật hồi họp và vui sướng khi được biểu dương khen thưởng tại Lễ phát động Tháng Công nhân, thể hiện sự ghi nhận và trân trọng của tổ chức công đoàn đối với những nỗ lực đóng góp của công nhân lao động trực tiếp tại doanh nghiệp. Với tôi, đây là thành quả đáng tự hào từ việc tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua tại doanh nghiệp, từ đó tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”.

Năm 2020, chủ đề của Tháng Công nhân thực hiện từ 01-31/5/2020 là “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”. Trong kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhấn mạnh việc tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động như thăm hỏi, tặng quà, tặng “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, thăm quan, du lịch, nghỉ mát, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở...

Bên cạnh các hoạt động thường niên, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cũng cho biết thêm nhân dịp Tháng Công nhân năm 2020, Tổng Liên đoàn sẽ đề xuất với Chính phủ tổ chức chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động toàn quốc lần thứ X.

Với tôi “nghề Công đoàn” niềm vui và tự hào là chính

Ông Nguyễn Đăng Bảo - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị được mọi người gọi là người có duyên với nghề Công đoàn. Trong bài viết của mình, ông Nguyễn Đăng Bảo đã kể lại kỷ niệm khó quên của “cái duyên” này. 

Đó là: “30 năm làm “nghề Công đoàn” là niềm vui và vinh dự lớn, từng ấy thời gian để lại trong tôi biết bao kỷ niệm, tường tận bao nhiêu vấn đề của đời sống công nhân, lao động, tận hưởng bao nhiêu niềm vui mỗi khi tổ chức Công đoàn đem đến lợi ích cho đoàn viên, người lao động.

Cũng từ làm “nghề Công đoàn” đã hình thành cho tôi một nhân cách sống bình dị, một kỹ năng hoạt động công tác xã hội, được gần gũi với nhiều đối tượng công nhân, lao động, tích luỹ được nhiều kiến thức, có bản lĩnh trong nghề nghiệp…  

Niềm vui và trăn trở chắc mỗi ai làm nghề nào cũng có, với tôi “nghề Công đoàn” niềm vui và tự hào là chính, Công đoàn Quảng Trị có được thành quả như ngày hôm nay là sự nỗ lực lớn của cán bộ, đoàn viên và những người làm “nghề Công đoàn”. 

Còn trăn trở để rồi cùng với tổ chức Công đoàn tiếp tục đổi mới, ngày càng thích ứng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước theo chủ trương và định hướng của Đảng. Thời cơ và thách thức của tổ chức Công đoàn đang hiện hữu khi Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế, Hiệp định Đối tác Thương mại Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) Quốc hội đã thông qua.

Mỗi một ai làm “nghề Công đoàn” rồi cũng định hình lại nghề của mình để rồi cùng với tổ chức tiếp tục đổi mới mạnh mẽ từ tư duy đến hành động tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức xây dựng Công đoàn xứng đáng niềm tin của người lao động”. 

Đọc thêm