Tháng này bắt đầu áp dụng nhiều chính sách mới

Sản xuất hàng giả bị phạt đến 100 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn và nhà ở cho học sinh trung học vùng đặc biệt khó khăn; quy định về thu phí ATM; bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2013.

Sản xuất hàng giả bị phạt đến 100 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn và nhà ở cho học sinh trung học vùng đặc biệt khó khăn; quy định về thu phí ATM; bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2013.

Sản xuất hàng giả bị phạt đến 100 triệu đồng

Theo Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có hiệu lực từ 1/3/2013, hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị phạt từ 100 nghìn đồng - 70 triệu đồng; còn hành vi sản xuất hàng giả mức phạt từ 200 nghìn đồng - 100 triệu đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tạo điều kiện cho hộ nghèo được trợ giúp pháp lý

Chính phủ ban hành Nghị định 14/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý. Trong đó, quy định về sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã được sửa đổi, bổ sung.

Tại Nghị định 14/2013/NĐ-CP đã bổ sung quy định về việc người thuộc hộ cận nghèo tham gia sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Cụ thể, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý là một hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý cộng đồng, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý, người thuộc hộ cận nghèo và người dân có vướng mắc pháp luật ở địa phương tham gia sinh hoạt. Thông qua tư vấn pháp luật, Câu lạc bộ giúp người được trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật để thực hiện pháp luật, tự mình giải quyết vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình".

Thay vì quy định Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý do Ban Tư pháp cấp xã trực tiếp điều hành, tại Nghị định mới ban hành quy định Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý chịu sự quản lý nhà nước của UBND cấp xã.

Nghị định 14/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 31/3/2013.

Hỗ trợ tiền ăn và nhà ở cho học sinh trung học vùng đặc biệt khó khăn

Theo Quyết định 12/2013/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mỗi tháng được hỗ trợ 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2013.

Hợp đồng bán quyền thu phí sử dụng đường bộ không quá 10 năm

Nghị định 10/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/3/2013, trong đó quy định thời hạn bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cho từng Hợp đồng nhưng tối đa không quá 10 năm.

Việc bán quyền thu phí được thực hiện theo hình thức đấu giá; trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Số tiền thu được từ bán quyền thu phí sau khi trừ các chi phí có liên quan được sử dụng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị mới

Theo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị có hiệu lực từ 1/3/2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với 2 trường hợp: 1- Dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên; 2- Dự án thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên hoặc khu vực có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng.

UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha đến dưới 100 ha sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới còn lại.

Đối với các dự án cải tạo chỉnh trang khu đô thị, UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư các dự án trên không phân biệt quy mô theo các quy định của pháp luật.

Sử dụng, quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ

Có hiệu lực từ 1/3/2013, Quyết định số 58/2012/QĐ-TTg về việc sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ nêu rõ nguyên tắc sử dụng, quản lý hộ chiếu: Hộ chiếu là tài sản của Nhà nước Việt Nam. Việc sử dụng hộ chiếu không được gây thiệt hại cho uy tín và lợi ích của Nhà nước Việt Nam.

Người có hành vi sử dụng, quản lý hộ chiếu sai quy định thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp

Theo Nghị định 6/2013/NĐ-CP quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/3/2013, nhân viên bảo vệ khi hết thời hạn thử việc, được đánh giá đạt yêu cầu thì được xem xét tuyển dụng, được hưởng lương và các quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu bị thương, bị hy sinh thì được xem xét và có thể được công nhận hưởng chế độ như thương binh, liệt sĩ và có các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử

Nghị định số 01/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ, trong đó quy định cụ thể về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử.

Nghị định số 01/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/3/2013.

Tổ chức dịch vụ tư vấn du học phải ký quỹ tối thiểu 500 triệu đồng

Theo Quyết định 05/2013/QĐ-TTg quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập có hiệu lực từ 10/3/2013, một trong các điều kiện của tổ chức dịch vụ tư vấn du học là có tiền ký quỹ tối thiểu 500 triệu đồng tại ngân hàng thương mại.

Quyết định nêu rõ, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách các tổ chức dịch vụ tư vấn du học đã được chứng nhận đăng ký hoạt động để Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quy định về thu phí ATM

Có hiệu lực từ 1/3/2013, Thông tư 35/2012/TT-NHNN quy định:

- Phí rút tiền mặt tại ATM cho giao dịch nội mạng có mức thấp nhất là 0 đồng và mức thu tối đa sẽ  tăng dần theo từng năm, từ 1.000 đồng/lần giao dịch vào năm 2013 đến 3.000 đồng/lần giao dịch vào năm 2015; giao dịch ngoại mạng tối đa là 3.000 đồng/lần.

- Phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) đối với thẻ ngoại mạng sẽ mất nhiều nhất 500 đồng cho một giao dịch.

- Phí in sao kê  hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản sẽ bị thu phí từ 100 - 500 đồng cho mỗi giao dịch với ATM nội mạng; 300 - 800 đồng nếu giao dịch ATM ngoại mạng.

- Phí chuyển khoản bằng thẻ tại ATM từ 0 -15.000 đồng/giao dịch; phí phát hành thẻ từ 0 - 100.000 đồng/thẻ; phí thường niên từ 0 - 60.000 đồng/thẻ/năm

Có 22/34 ngân hàng đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chưa thu phí nội mạng ATM từ tháng 3/2013; 10 ngân hàng quy định mức thu 1.000 đồng/giao dịch; 2 ngân hàng thu phí từ 200 - 500 đồng/giao dịch.

Bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ

Theo Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ, có hiệu lực thi hành từ ngày 7/3/2013, trường hợp công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Trường hợp Công dân đã nhập ngũ vào Quân đội, nếu có Giấy báo nhập học vào các trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành Giấy báo nhập học) bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ theo quy định.

Lược trích Chinhphu.vn