Đua nhau “cày nát” đường dân sinh
Thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận được phản ánh của người dân xã Trung Chính, Tân Phúc và Tân Thọ (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) về việc hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng từ 10 đến 40 tấn “cày nát” con đường liên xã mà dân bỏ tiền ra xây dựng.
Theo người dân, từ khi đơn vị thi công là Tập đoàn xây dựng Cường Thịnh Thi thi công con đường Nghi Sơn – Sao Vàng, hàng trăm lượt xe tải loại cầu 3, cầu 4 với tải trọng lớn ngày đêm chạy qua địa phận đường làng các xã để chở vật liệu xây dựng. Quá trình vận chuyển, bên cạnh để cát, sỏi rơi bừa bãi, bụi bay vào nhà dân ảnh hưởng đến sức khỏe thì xe chạy quá tải còn làm hỏng nhiều đoạn đường làng, nhà dân bị rung chuyển gây rạn nứt.
Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi có mặt tại thôn Thanh Hà, xã Trung Chính và chứng kiến nhiều xe chở vật liệu loại 2 trục, 3 trục chạy qua; có nhiều đoạn đường bị sụt lún tạo thành rãnh, ổ voi, ổ gà gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Theo ông Trần Văn Quyền - Bí thư Chi bộ thôn Thanh Hà: “Đường này do người dân bỏ tiền ra làm nhằm tạo đà phát triển kinh tế xã hội cho địa phương; mỗi khẩu đóng 50 ngàn/năm và đóng trong vòng 5 năm với 4.800 nhân khẩu toàn xã.Thế nhưng, các anh thấy đó, những chiếc xe tải chở vật liệu chạy qua khiến đường hỏng hết”.
Bức xúc trước việc xe quá tải hoành hành đường dân sinh, các hộ dân thôn Thanh Hà làm đơn kiến nghị gửi UBND xã Trung Chính thì mới “té ngửa” khi biết con đường trên đã được xã cho đơn vị thi công mượn để vận chuyển vật
liệu nhưng lại không thông báo cho nhân dân biết. Việc làm thiếu minh bạch của chính quyền xã Trung Chính, ông Trần Duy Thiện – Trưởng thôn Thanh Hà bức xúc: “Chúng tôi phải đóng góp tiền để làm đường chứ không phải nhà nước đầu tư. Chính quyền xã có cho mượn đường thì phải thông báo cho nhân dân mới phải”.
Đơn vị quản lý “lý giải” mập mờ
Được biết, ngày 28/01/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn – đã ra Thông báo số 16 nêu rõ: “Nhà đầu tư làm việc với chính quyền địa phương trong việc sử dụng các tuyến đường của địa phương vận chuyển vật liệu phục vụ thi công, vận chuyển đổ đất đá thải và có cam kết hoàn trả sau khi dự án hoàn thành; Đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, vận chuyển vật liệu, thiết bị”.
Ngày 25/04/2016, đại diện đơn vị thi công và lãnh đạo địa phương đã có văn bản kiểm tra hiện trường đường và nêu một cách chung chung: “Không sử dụng xe có tải trọng trục >10 tấn/trục, tuyệt đối không sử dụng xe quá khổ, quá tải để vận chuyển vật liệu vào công trường cũng như vận chuyển đất đá thải ra khỏi công trường”.
Làm việc với chúng tôi về phản ảnh của người dân, ông Trần Văn Huệ - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng UBND huyện Nông Cống, cho biết: “Do việc hoàn thành tuyến đường được triển khai gấp rút nên đơn vị thi công buộc phải đẩy nhanh tiến độ thi công. Đơn vị thi công đường đến đâu thì sẽ có văn bản mượn đường của địa phương để vận chuyển vật liệu đến đó. Còn người dân có đơn phản ánh chúng tôi sẽ tiến hành giải quyết”.
Làm việc với đơn vị thi công, Chỉ huy trưởng công trường ông Lê Doãn Bắc lý giải: “Không sử dụng xe có tải trọng trên 10 tấn trên trục, chứ không phải cấm sử dụng xe có tải trọng 10 tấn trên một xe. Chở 10 tấn áp dụng cho xe 1 trục (cầu), chở 20 tấn cho xe 2 trục (cầu), 30 tấn cho xe 3 trục, 40 tấn cho xe 4 trục. Chúng tôi không sai về quy định xe quá tải trọng. Chẳng nhẽ việc mượn đường chúng tôi phải đi xuống từng hộ dân để xin ý kiến”.
Hiện quy định về xe từ 2 trục được phép chở 20 tấn, 3 trục được phép chở 30 tấn…chỉ áp dụng ở các đường quốc lộ có biển giới hạn trọng lượng cho phép, không áp dụng đối với đường liên thôn do người dân tự làm. Người dân lo lắng, đường hỏng thì đơn vị thi công có thể sửa chữa, còn nhà cửa ven đường do xe quá tải chạy ẩu, làm hư hỏng liệu họ có đền bù?
Thiết nghĩ phía đơn vị thi công cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát vận tải, để đảm bảo xe không chở quá khổ, quá tải, xe chạy ẩu, đất cát rơi vãi, bụi bặm làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.