Đây là một sự kiện quan trọng hướng đến chào mừng 40 năm thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội và đánh dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển mạnh mẽ trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ TCCB, Bộ GD&ĐT, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội).
Về phía tỉnh Đắk Lắk có ông Trần Quốc Cường, Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Võ Văn Cảnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cùng đại diện của các cơ quan ban, ngành địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, thời gian qua, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhất là “Đào tạo đủ số lượng cán bộ tư pháp có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp… nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực”, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ không ngừng đổi mới, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo tại các khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn hoặc những địa bàn trọng yếu về chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa hết sức to lớn, không những là cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn nhất khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, mà còn góp phần đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đắk Lắk.
Thay mặt Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Tư Pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long chúc mừng Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường TCL Buôn Ma Thuột đồng thời, ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Trường ĐHL Hà Nội, sự chia sẻ, đồng tâm của các thầy giáo, cô giáo, người lao động trường TCL trong thời gian vừa qua đã khắc phục khó khăn, hoàn tất các thủ tục để thành lập phân hiệu.
Qua đó, Bộ Trưởng Lê Thành Long cũng gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Đắk Lắk, cùng các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đã quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, ủng hộ về chủ trương thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội.
Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, Bộ Trưởng Lê Thành Long chỉ đạo nhà trường phải tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ: Thứ nhất, hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để Phân hiệu đi vào hoạt động.
Thứ hai, Trường ĐH Luật Hà Nội cần có chính sách, kế hoạch cụ thể và dành nguồn lực thích đáng từ đội ngũ cán bộ quản lý đến các giảng viên để giúp cho hoạt động đào tạo giảng dạy của Phân hiệu đảm bảo chất lượng ngay từ những khóa đào tạo đầu tiên theo hướng việc quản lý đào tạo cần có sự chuyển giao dần, có lộ trình phù hợp cho các cán bộ giảng viên cơ hữu của Phân hiệu đảm nhận nhằm vừa đảm bảo tính kế thừa, vừa mang tính lâu dài, ổn định, bền vững. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc thu hút nhân tài/chế độ biệt phái, luân chuyển với những chính sách thỏa đáng, khả thi và tâm tư, nguyện vọng của cán bộ giảng viên Trường TCL Buôn Ma Thuột.
Thứ ba, cùng với việc kiện toàn bộ máy đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý thì phải chú ý đến việc hoàn thiện hệ thống về cơ sở vật chất; hạ tầng công nghệ thông tin và các điều kiện đảm bảo khác để việc đào tạo đáp ứng được yêu cầu của người học và sự phát triển xã hội.
Thứ tư, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn địa phương; kết hợp với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn, khu vực trong quá trình đào tạo để nâng cao năng lực thực tiễn cho người học. Chú trọng tăng cường mối quan hệ hợp tác của Phân hiệu với các cơ sở đào tạo khác của Bộ, các cơ sở đào tạo khác trong vùng, khu vực.
Thứ năm, triển khai công tác tuyển sinh đào tạo các hệ trong năm 2019 với quy mô và lộ trình phù hợp; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, theo chuyên đề, gắn với hoạt động chung của Bộ, ngành Tư pháp và của địa phương. Bên cạnh việc khẩn trương triển khai công tác tuyển sinh của năm học 2019 – 2020, đề nghị Trường ĐHL Hà Nội, Phân hiệu tại Đắk Lắk tiếp tục quan tâm đối với các em học sinh đang theo học hệ Trung cấp tại trường và có định hướng giúp các em có nhu cầu có thể liên thông lên Cao đẳng, Đại học sau khi tốt nghiệp chương trình Trung cấp.
Cuối cùng, tăng cường vai trò quản trị nhà trường, đầu tư và ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt chuyên môn; tăng cường trao đổi, sinh hoạt khoa học qua mạng, tổ chức hội họp, hội thảo và giảng bài trực tuyến cho một số hệ đào tạo của các trường.
Thay mặt cho địa phương, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Phân hiệu sớm ổn định và đi vào hoạt động. Khi có các chương trình phù hợp, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, chọn Phân hiệu để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho địa phương cũng như thực hiện các đề án nghiên cứu khoa học hoặc tham gia các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: Trong năm 2019, Phân hiệu dự kiến tuyển sinh 200 chỉ tiêu ĐH hệ chính quy văn bằng 1 (ngành luật); 60 chỉ tiêu ĐH hệ chính quy văn bằng 2 (ngành luật); 50 chỉ tiêu ngành luật liên thông ĐH hệ chính quy; 120 chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm và 40 chỉ tiêu ngành luật kinh tế đào tạo sau ĐH.
Một số hình ảnh tại buổi lễ: