Thành lập Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam

Việc thành lập Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò và định hướng của Báo Pháp luật Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người dân.

Việc thành lập Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò và định hướng của Báo Pháp luật Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người dân.

Ngày 21/9/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có quyết định số 2566/QĐ-BTP về việc phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam, một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Báo Pháp luật Việt Nam.

Theo Đề án, Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam là đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để thực hiện chức năng truyền thông pháp luật và kinh tế báo chí; liên doanh, liên kết kinh doanh với các cơ quan, tổ chức kinh tế để thực hiện các nhiệm vụ được giao; thực hiện công tác xã hội từ thiện và công tác quan hệ với bạn đọc của Báo. Trên cơ sở quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 25/9/2012, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam ban hành quyết định thành lập Trung tâm, đơn vị thành viên thứ 15 của Báo Pháp luật Việt Nam.

Trung tâm truyền thông của Báo Pháp luật Việt Nam sẽ đảm trách tổ chức các sự kiện truyền  thông của Báo PLVN. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ trao danh hiệu “Hãng  luật và Luật sư tiêu biểu năm 2012 - một sự kiện tiêu biểu của Báo PLVN
Trung tâm truyền thông của Báo Pháp luật Việt Nam sẽ đảm trách tổ chức các sự kiện truyền thông của Báo Pháp luật Việt Nam . Trong ảnh: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ trao danh hiệu “Hãng luật và Luật sư tiêu biểu năm 2012 - một sự kiện tiêu biểu của Báo Pháp luật Việt Nam.

Việc thành lập Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam nằm trong kế hoạch phát triển của Báo Pháp luật Việt Nam theo Quyết định 1280/QĐ-BTP ngày 9/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Báo, giai đoạn 2008-2015. Theo đó, trên chặng đường phát triển đến năm 2015, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ quan, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ báo chí, tuyên truyền, đặc biệt là công tác phổ biến pháp luật; tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện và đẩy mạnh công tác của Báo Pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền thông.

Theo Đề án đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt, Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam là đơn vị có vai trò rất quan trọng của Báo, thực hiện các nhiệm vụ như: Phát triển thị trường dịch vụ quảng cáo trên báo in, báo điện tử để cung cấp dịch vụ quảng cáo trên các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu; phát triển các dịch vụ truyền thông; vận động, kêu gọi và tiếp nhận tài trợ cho các hoạt động xã hội từ thiện, các sự kiện do Trung tâm, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức; thực hiện công tác quản lý quỹ xã hội từ thiện theo quy chế quản lý quỹ xã hội từ thiện của Báo và theo quy định của pháp luật, phối hợp với các cơ quan, tổ chức phát triển quỹ xã hội từ thiện để chủ động thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện.

Trung tâm truyền thông sẽ là đầu mối liên kết bạn đọc với Báo thông qua công tác xã hội và công tác bạn đọc.

Đặc biệt, Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức pháp luật cho bạn đọc, thông qua việc phối hợp với các tổ chức hành nghề luật sư để tư vấn pháp luật cho bạn đọc của Báo.

Trong đó, Trung tâm làm công tác kêu gọi tài trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc, các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật thực hiện việc tư vấn pháp luật cho bạn đọc có nhu cầu tư vấn pháp luật. Đây là hoạt động đã được Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thực hiện trong nhiều năm qua. Với việc ra đời của Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam, hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam.

Về cơ cấu tổ chức, tuy Trung tâm truyền thông là đơn vị thuộc Báo, nhưng vẫn được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp độc lập về tổ chức. Trung tâm có ban lãnh đạo gồm Giám đốc và các Phó giám đốc do Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam bổ nhiệm.

Ngoài ra, Trung tâm có các bộ phận nghiệp vụ, như bộ phận kế hoạch tài chính, bộ phận phát triển dịch vụ và bộ phận tổ chức sự kiện. Việc xây dựng cơ cấu tổ chức giống mô hình của một doanh nghiệp sẽ giúp cho Trung tâm truyền thông của Báo hoạt động năng động để đón nhận cơ hội phát triển thành một đơn vị lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền thông. Sau khi thành lập Trung tâm truyền thông, trong tháng 10 tới, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ hoàn thiện về tổ chức, bộ máy của Trung tâm để Trung tâm bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ đầu tiên của mình.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sự ra đời của Trung tâm truyền thông cũng là dấu ấn đánh dấu những nỗ lực không ngừng của Báo Pháp luật Việt Nam trong việc đẩy mạnh tiếp cận các đối tượng bạn đọc. Đặc biệt, với nhiệm vụ truyền thông pháp luật, Trung tâm truyền thông sẽ có vai trò quan trọng trong công tác tổ chức truyền thông pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho bạn đọc, góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ Tư pháp.

Xuân Bính

Đọc thêm