Thành phố thông minh bên Vịnh di sản

(PLVN) - Xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử: Vì Dân! Xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử là một trong những mục tiêu, định hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển của các địa phương và của mỗi quốc gia, nhằm phát triển nền hành chính, kinh tế hiện đại để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. 
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại buổi khai trương vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại buổi khai trương vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh là địa phương cấp tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã xây dựng và ban hành kiến trúc thành phố thông minh cấp tỉnh. Khung kiến trúc thành phố thông minh đã được Cục Tin học hoá - Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến tham gia, hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với Khung tham chiếu ICT về đô thị thông minh do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Đề án mô hình xây dựng thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2016. Với lộ trình đến cuối năm 2020, TP Hạ Long sẽ là đứa con tinh thần đầu tiên trở thành thành phố thông minh trực thuộc tỉnh, tiến tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thành phố thông minh ra các địa phương như: Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái. Dự kiến năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành một thành phố thông minh hiện đại đứng trong top các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN. 

Theo lộ trình, từ năm 2016 đến nay Quảng Ninh tập trung vào các lĩnh vực: y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, giao thông, du lịch, an ninh trật tự... trong giai đoạn 2017-2020 được thực hiện trên nền tảng chính quyền điện tử giai đoạn I bước đầu đã đạt được kết quả khả quan.

Cụ thể, trong lĩnh vực Y tế, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng 3 bệnh viện thông minh gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi. Việc cung cấp dịch vụ y tế thông minh từ “thụ động” chuyển sang hướng “chủ động”.

Các bệnh viện được đầu tư mua sắm thiết bị hạ tầng và thiết bị hỗ trợ cho các bác sĩ, điều dưỡng như thiết bị đọc mã vạch barcode, xe điều dưỡng tích hợp máy tính để truy cập hệ thống thông tin bệnh viện... Cả ba bệnh viện đều được đánh giá đạt mức độ 4 về ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện theo Thông tư số 54 ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế. 

Trong lĩnh vực môi trường, đã có 86 trạm quan trắc được xây dựng, giúp nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh. Tăng tính năng minh bạch và yêu cầu thông tin của người dân.

Trong lĩnh vực giáo dục đã triển khai 3 dự án về xây dựng lớp học, trường học thông minh trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã hoàn thành 46 trường với 551 lớp học tiên tiến, thông minh.

Đối với hệ thống giao thông thông minh, tại khu vực thành phố Hạ Long tại các nút giao thông quan trọng đều được lắp đặt camera để phục vụ công tác giám sát, điều phối và phạt nguội lỗi vi phạm giao thông. Với hệ thống camera này bước đầu đã phát huy tích cực giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Ngoài ra Quảng Ninh còn trang bị hệ thống wifi miễn phí với 107 điểm phát sóng để hỗ trợ người dân và du khách sử dụng các ứng dụng thông minh, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ; thời gian tới, hệ thống wifi tiếp tục được nhân rộng.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: “Tỉnh Quảng Ninh quyết tâm cao nhất để hoàn thành Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh. Việc làm này hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế đổi mới, phát triển của tỉnh và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Đọc thêm