Thanh, thiếu niên nhập cư, lao động tự do: Cần tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật

(PLO) - Thanh, thiếu niên nhập cư, sinh sống tự do tại địa bàn cư trú được coi là những đối tượng có nguy cơ tiềm ẩn vi phạm pháp luật cao do thiếu hiểu biết và sống không theo một tổ chức nào. Với tâm lý sống xa gia đình, nay đây mai đó theo công việc cùng với thời gian lao động cả ngày vất vả để kiếm tiền nên họ thường có tâm lý e dè, ngại tiếp xúc với chính quyền nên công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhóm đối tượng này là vô cùng cần thiết.
Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, chủ yếu người vi phạm là thanh, thiếu niên, trong đó nhiều người vừa là tội phạm, vừa là nạn nhân. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh, thiếu niên có lối sống thực dụng, ý thức chấp hành pháp luật kém nên dễ bị lôi kéo vào các hoạt động sai trái. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội là do nhận thức pháp luật còn rất hạn chế, không ý thức được hết các mối nguy hiểm và hậu quả hành vi phạm tội do bản thân gây ra. Do đó, công tác PBGDPL cho nhóm đối tượng này là việc làm cần được chú trọng.

Theo đó, mỗi địa phương, xã, phường cần dựa vào nhu cầu thực tiễn, phù hợp với lứa tuổi và trình độ để tập trung nâng cao chất lượng công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên, người lao động nhập cư, sinh sống tự do trên địa bàn cư trú. Thời gian qua, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã triển khai khá hiệu quả mô hình đội ngũ đồng đẳng viên – là những người lao động tự do sinh sống trên địa bàn phường nhưng có sự gương mẫu, nhiệt tình, được địa phương giới thiệu và trở thành lực lượng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho những thanh, thiếu niên, người lao động tự do, sinh sống cùng với họ. 

Đội ngũ đồng đẳng viên được tham gia các buổi tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng cơ bản trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng thuyết trình, xây dựng bài giảng, kỹ năng làm việc nhóm. Các đồng đẳng viên còn nhận được sự hỗ trợ của các cán bộ tư pháp, luật gia, luật sư trong khi tiến hành các cuộc tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng là thanh, thiếu niên, người lao động di cư tự do sinh sống cùng với mình. Ngoài việc phát tờ rơi giới thiệu về pháp luật, các đồng đẳng viên còn tự chia thành các nhóm nhỏ để chủ động xây dựng đề cương bài giảng, đi tuyên truyền nội dung theo nhu cầu như pháp luật về đăng ký tạm trú, tạm vắng; pháp luật về phòng chống ma túy; bình đẳng giới…

Do đặc thù của thanh, thiếu niên nhập cư, lao động tự do nên việc phổ biến pháp luật này thường được tổ chức vào buổi tối, địa điểm tổ chức linh hoạt tại trụ sở phường hoặc ngay tại địa bàn khu dân cư có đông thanh, thiếu niên, người lao động nhập cư sinh sống. Với phương pháp phổ biến pháp luật sinh động, dễ hiểu như minh họa bằng hình ảnh, diễn tình huống, sân khấu hóa, số lượng thanh, thiếu niên và người lao động tham gia và hưởng ứng các hoạt động này ngày càng tăng và đạt được những kết quả tích cực.

Còn tại Đà Nẵng, công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói chung và thanh, thiếu niên nhập cư, lao động tự do nói riêng đã được quan tâm thông qua thực hiện chuyên mục “Góc nhìn pháp luật” được phát sóng trên Đài Phát thành – Truyền hình Đà Nẵng. Ngoài ra, Sở Tư pháp Đà Nẵng còn tổ chức nhiều hội nghị tập huấn nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho thanh, thiếu niên nhập cư và thanh thiếu, niên chưa có việc làm với các chủ đề đa dạng như: Pháp luật về lao động, việc làm và an toàn lao động; pháp luật về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông đường bộ…

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên nhập cư, lao động tự do trên địa bàn cư trú, mỗi địa phương cần tổ chức khảo sát thực tế để tìm hiểu nhu cầu của đối tượng, từ đó lựa chọn nội dung và hình thức PBGDPL cho phù hợp. Mỗi địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng và lựa chọn mô hình PBGDPL, xác định đúng đối tượng và cách thức thực hiện.

Cùng với đó, cần tranh thủ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp và đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, các cấp có liên quan như Công an, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… trong công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên nhập cư, thanh, thiếu niên tự do lao động trên địa bàn cư trú. Có như vậy mới góp phần thiết thực để nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật và hình thành những thói quen tốt trong nhận thức và hành động cho thanh, thiếu niên nói chung và thanh, thiếu niên nhập cư, lao động tự do nói riêng. 

Đọc thêm