“Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền tạm dừng thực thi Quyết định của TAND cấp cao”

(PLO) - Liên quan đến việc Thanh tra Chính phủ ra công văn chỉ đạo yêu cầu tạm dừng trả Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho người dân, luật sư (LS) Nguyễn Thiện Hồng (Văn phòng LS Hoàng Long) khẳng định “Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền tạm dừng thực thi Quyết định của TAND cấp cao” 
“Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền tạm dừng thực thi Quyết định của TAND cấp cao”

Liên quan đến vụ "Người dân khẩn thiết kêu cứu vì 5 năm không đòi được sổ đỏ", mới đây, PV báo PLVN đã có cuộc trao đổi với LS Nguyễn Thiện Hồng để tìm hiểu cũng như làm rõ vấn đề xung quanh sự việc trên.

PV: Thưa ông, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội- Chi nhánh quận Nam Từ Liêm không trả sổ đỏ cho dân là có đúng luật ?

LS: Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội – Chi nhánh Quận Nam Từ Liêm, Phòng tài nguyên môi trường, Quận Nam Từ Liêm thực thi theo mệnh lệnh chỉ đạo tạm dừng của Thanh tra Chính phủ là không sai vì theo bản chất của quản lý hành chính Nhà nước là  hoạt động chấp hành và điều hành.  Điều hành là việc chỉ đạo trực tiếp đối tượng bị quản lý, nó mang tính quyền lực, tính tổ chức và tính mệnh lệnh đơn phương. Chấp hành thể hiện ở việc thực hiện một cách nghiêm túc các văn bản mang tính luật của nhà nước.

PV: Về vấn đề Thanh tra Chính phủ ra công văn tạm dừng trả GCN QSDĐ cho người dân sau khi có quyết định của TAND cấp cao là đúng hay sai theo quy định của pháp luật?

LS : Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đao UBND Quận Nam Từ Liêm và Văn phòng đăng ký đất đai- Phòng Tài nguyên môi trường quận Nam Từ Liêm tạm dừng trả GCN QSDĐ cho ông Lê Văn Tuấn Tuấn cho đến khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ là trái pháp luật. 

Bản án số 50/ DS-PT -ngày 04/05/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật, mọi cơ quan, tổ chức cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Quyết định của Tòa án là một mệnh lệnh quyền uy.

Luật sư Nguyễn Thiện Hồng - Văn phòng LS Hoàng Long đang trao đổi với PV
Luật sư Nguyễn Thiện Hồng - Văn phòng LS Hoàng Long đang trao đổi với PV

Khi Thanh tra Chính phủ nhận được đơn kháng cáo của ông Trần Quốc Quang – đại diện cho các anh em trong gia đình bị đơn, Thanh tra Chính phủ chỉ được phép trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại chứ không có thẩm quyền đưa ra công văn yêu cầu tạm dừng GCN QSDĐ cho người dân sau khi đã có quyết định của Tòa án. Đối với những trường hợp đặc biệt, người có thẩm quyền kháng nghị, điều chỉnh lại chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) và Chánh án TAND tối cao.

Tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định: Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành và Điều 4 Luật Thi hành án dân sự cũng quy định rõ: Bản án, quyết định quy định tại Điều 2 của Luật này phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.

PV: Theo ông, Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền ra công văn tạm dừng như vậy mà vẫn làm trái pháp luật thì theo quy định sẽ bị xử lý như thế nào ?

LS: Nghị định 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ có nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ là thực hiện các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật chứ Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền đưa ra công văn tạm dừng Quyết định của TAND cấp cao.

PV: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Theo mục 1, Điều 281 Bộ luật Hình sự quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như sau: 

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, người có chức vụ, quyền hạn đã sử dụng quyền hạn của mình để làm trái với chức năng, nhiệm vụ công tác được giao

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trực tiếp xâm phạm hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan, tổ chức đồng thời xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hậu quả của tội phạm này có thể là thiệt hại về vật chất như làm mất, hư hỏng, hao hụt tài sản hoặc làm thất thu ngân sách Nhà nước; cũng có thể là thiệt hại về tinh thần như gây ảnh hưởng xấu về chính trị, làm giảm uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân.... 

Đọc thêm