Báo PLVN nhận được đơn thư khiếu nại của anh Lê Văn Tuấn với lời cầu cứu khẩn thiết về việc hơn 5 năm đằng đẵng đi đòi sổ đỏ bất thành…
Đoạn trường đi đòi sổ đỏ
Theo ông Lê Văn Tuấn (phường Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), ông là nguyên đơn trong vụ án “Yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm.
Ông Tuấn cho biết: “Năm 2011, tôi có mua thửa đất số 143, tờ bản đồ số 9, diện tích 781m2 (UBND huyện Từ Liên cấp giấy chứng nhận QSDĐ số U722963, đứng tên người sử dụng đất là cụ Trần Duy Cát và vợ là cụ Khuất Thị Tính, do anh Trần Duy Vinh (con trai út của 2 cụ) dưới sự ủy quyền thay mặt đứng ra bán và ký hợp đồng đặt cọc số 26.2011/HĐĐC với tôi vào ngày 20/01 và đến ngày 5,6/04/2011, tôi đã chuyển toàn bộ số tiền theo thỏa thuận và 2 bên đã ký kết Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ”.
Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội quyết định “ông Lê Văn Tuấn có quyền liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp và nhận GCN QSDĐ” |
“Sau khi cụ Cát mất,ba người con của cụ Cát và cụ Tính ( ông Toàn, Quang, Dân) không được chia tiền bán đất đều nên đã làm đơn tố cáo cụ Tính (mẹ đẻ của mình) cùng con trai út là ông Trần Duy Vinh, ép cụ Cát điểm chỉ bán đất để chiếm đoạt tài sản của bố. Vì lý do đó mà cơ quan chức năng không cấp sổ đỏ cho ông Lê Văn Tuấn.
Ông Tuấn cho biết: "tôi và cụ Tính đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp nhưng không thành, cũng nhiều lần làm việc với các con cụ Tính yêu cầu rút đơn để UBND huyện Từ Liêm trả sổ đỏ vì trước đó tôi đã giao hết tiền, hợp đồng chuyển nhượng cũng đã được công chứng nhưng các thành viên trong gia đình cụ Tính không thống nhất được việc chia số tiền bán đất nên đã không rút đơn và trả lại tiền cho tôi”.
Ngày 1/11/2012, ông Tuấn quyết định tiến hành khởi kiện lên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Tại phiên sơ thẩm ngày 28/3/2014, Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định công nhận Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông và vợ chồng cụ Khuất Thị Tính có hiệu lực pháp luật và “ông Lê Văn Tuấn có quyền liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp và nhận GCN QSDĐ” (theo quyết định của bản án số 16/2014/DSST đã tuyên) nhưng ba người con của cụ Tính đã kháng cáo do không đồng ý với bản án sơ thẩm nhưng 5 lần xét xử sau đó tại Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao lại phải hoãn do người kháng cáo không đến phiên tòa.
Tiếp đó, đến ngày 4/5/2016, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Căn cứ vào toàn bộ chứng cứ của các bên cung cấp và quá trình xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên y án bản án sơ thẩm và bản án có hiệu lực từ ngày ra quyết định, trả lại công bằng cho ông Lê Văn Tuấn.
Niềm vui ngắn chẳng đầy gang...
Những tưởng với phán quyết của Tòa Cấp cao tại Hà Nội thì ông lê Văn Tuấn sẽ lấy được GCN QSDĐ nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó:
Khi đến UBND quận Nam Từ Liêm đề nghị cấp GCN QSDĐ theo phán quyết của Tòa thì ông Lê Văn Tuấn vẫn bị từ chối. Lý do được Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội-chi nhánh quận Nam Từ Liêm đưa ra là do có chỉ đạo của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội chỉ đạo dừng việc trả GCN QSDĐ. Sự việc đi ngược với phán quyết của Tòa Cấp cao tại Hà Nội bắt nguồn từ 01 công văn của Thanh tra Chính phủ.
“12 ngày sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, không hiểu lý do gì mà lãnh đạo Thanh tra Chính phủ lại ban hành công văn số 1064/TTCP-BTCDTW ngày 17/5/2016 để yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm tạm dừng trả sổ đỏ cho đến khi có kết luận của thanh tra. Nhưng, việc tổ chức thanh tra đã diễn ra từ tháng 10 năm 2014 và đến nay vẫn chưa có bất cứ động thái hay kết luận nào nên Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội-chi nhánh quận Nam Từ Liêm tiếp tục không trả sổ đỏ mặc dù biết là công văn của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ là trái Hiến pháp và Pháp luật”- ông Tuấn bức xúc cho biết.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung |
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, PV báo PLVN đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoàng Trung. Luật sư cho biết: “Tại điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định: Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành và Điều 4 Luật Thi hành án dân sự cũng quy định rõ: Bản án, quyết định quy định tại Điều 2 của Luật này phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án”.
Đối chiếu với quy định của Pháp luật, việc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội-chi nhánh quận Nam Từ Liêm có đúng luật? Thanh tra Chính phủ ra văn bản đi ngược lại với phán quyết của Tòa Cấp cao tại Hà Nội là đúng hay sai? Có uẩn khúc gì sau công văn đó?
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.