Thanh tra phải sạch

(PLVN) - Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang đã có hành vi can thiệp khi cấp dưới kiểm tra xe khách, đề nghị dừng vì đó là "người nhà" thậm chí còn đe dọa người đang thi hành công vụ. Ông bị xử lý kỷ luật đảng với hình thức cảnh cáo và tiếp sau đây sẽ là xử lý về mặt hành chính.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Điều đáng ghi nhận là khi sự việc xảy ra và có đơn tố cáo từ Đội thanh tra giao thông huyện đến khi thi hành kỷ luật chỉ trong 2 tháng, thêm nữa, cơ quan chủ quản đề nghị hình thức khiển trách nhưng Đảng ủy khối doanh nghiệp nâng mức lên cảnh cáo, tiếp tục, quan điểm của lãnh đạo Sở này là có hình thức kỷ luật hành chính tương ứng và đặc biệt, đưa ông ta ra khỏi ngành Thanh tra.

Thanh tra thì phải "sạch", nhưng không hẳn, vụ các cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng bị bắt vì hành vi vòi tiền ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) là một ví dụ điển hình. Ngay sau vụ này, Thanh tra Chính phủ đã phải có ngay chỉ thị siết chặt kỷ cương công vụ, nâng cao phẩm chất đạo đức trong đội ngũ thanh tra.

Thanh tra Giao thông bị điều tiếng cũng không phải là ít. Tiếp theo vụ các lãnh đạo và cán bộ Thanh tra giao thông ở Cần Thơ thu "hụi chết" và phải vào tù thì một đường dây bảo kê xe tải ở Hà Nội do các cán bộ Thanh tra giao thông thực hiện đã bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ và sắp sửa hầu tòa.

Sự vi phạm pháp luật của các Thanh tra "nhúng chàm" bị phát hiện này có một điểm chung là vi phạm có hệ thống và có hẳn một đường dây liên kết với nhau với mục đích tư lợi, vô hiệu hóa những quy định pháp luật về giao thông. Hệ quả trực tiếp và tất yếu của các hành vi phạm tội do các Thanh tra này thực hiện là gây nên tình trạng giao thông hỗn loạn, tai nạn xảy ra và không chỉ phá hỏng đường sá mà cả pháp luật.

Việc xử lý kịp thời sai phạm của Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang là một động thái đáng khích lệ, góp phần ngăn chặn hiệu quả các hành vi thiếu chuẩn mực, trái pháp luật, bảo kê phương tiện giao thông dưới danh nghĩa "người nhà" cũng như đã đóng "hụi chết". Việc cho ông này ra khỏi ngành cũng cho thấy biểu hiện giữ nghiêm kỷ cương, phép nước và làm trong sạch đội ngũ. 

Nếu để những người không những tay đã “nhúng chàm” mà còn “vấy” cả lên mặt nhân danh Nhà nước, của ngành để thi hành công vụ thì dứt khoát, hình ảnh của ngành đó không còn đẹp nữa!

Đọc thêm