Thay đổi giờ học ở Hà Nội: lo đi muộn, "cúp" điện

Hôm nay, 1/2, ngày đầu tiên thực hiện chủ trương thay đổi giờ học tại một số quận trên địa bàn Hà Nội. Đã có những chuyển biến tích cực trong việc lưu thông trên các tuyến đường, hiện tượng ùn tắc giao thông ít xuất hiện trong giờ cao điểm vào sáng nay. Song quy định trên vẫn gây khá nhiều những boăn khoăn lo lắng của người dân cũng như việc thực hiện quy định tại một số trường học còn gặp khó khăn.

Hôm nay, (1/2), ngày đầu tiên TP. Hà Nội thực hiện chủ trương thay đổi giờ học tại 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Đã có những chuyển biến tích cực trong việc lưu thông trên các tuyến đường, hiện tượng ùn tắc giao thông ít xuất hiện trong giờ cao điểm vào sáng nay. Song quy định trên vẫn gây khá nhiều những boăn khoăn lo lắng của người dân cũng như việc thực hiện quy định tại một số trường học còn gặp khó khăn.

Ngày đầu tiên thay đổi giờ học, hiện tượng ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường đã giảm.

Thay đổi thói quen, cần có thời gian

Nhiều tuyến đường trong TP Hà Nội trong giờ cao điểm sáng nay không còn ùn tắc, như đường Đê La Thành, đường Thụy Khuê…

Chị Lê Thị Phương, ở đường Đê La Thành, quận Đống Đa, cho biết, trước đây, ngày nào chị cũng cảm thấy mệt mỏi vì khói xe bởi tắc đường. “Tôi nghĩ chủ trương đổi giờ học cũng như giờ làm sẽ gặp nhiều khó khăn bởi thật khó để có thể thay đổi thói quen ngay lập tức. Tuy mới thực hiện chủ trương trong ngày đầu nhưng thực sự tôi đã thấy kết quả thật ngoài mong đợi, nếu ngày nào con đường này cũng không xẩy ra tắc nghẽn thì thật tốt”, chị Phương nói.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn lo lắng về những khó khăn phát sinh triong quá trình thực hiện chủ trương thay đổi giờ học, giờ làm. Không ít sinh viên đã không thể đến trường đúng giờ học và họ cho rằng, để có thể quen dần với quy định này cầncó nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, sáng sớm nay, tại nhiều điểm chờ xe buýt trước các trường ĐH, việc bắt được xe buýt khó khăn dù lượng khách chờ đón không đông như thời điểm trước tết.

Có mặt ở cổng trường lúc 7h25, Trang, một nữ sinh viên Đại học Công Đoàn chia sẻ: “Dù đã dậy sớm chuẩn bị nhưng em vẫn bị muộn học gần nửa tiếng vì mãi mới bắt được xe buýt lên trường…”.

Theo Lê Thị Yến, sinh viên trường ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội), sinh viên thường hay thức khuya và việc dậy sớm hàng ngày rất khó thực hiện, việc phải đến trường và vào học lúc 7h thì càng khó hơn. “Bất cập nhất với các bạn nhà ở xa hơn 10 cây số, phương tiện đi lại thì hạn chế, trong khi xe buýt đâu phải lúc nào cũng đúng giờ.”

Phụ huynh Trần Thu Trang, nữ sinh trường trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cho biết, nhà có 2 con, Trang là chị cả và dưới còn một em trai học cấp 1. Bố công tác xa suốt tháng, nhà chỉ có mình mẹ Trang lo đưa đón 2 con đi học. Mje Trang nói: “Trường của 2 chị em cùng một tuyến đường, tôi đưa em của Trang đến trước rồi đưa Trang tới trường. Nhưng với quy định mới này, tôi phải đưa Trang đi học trước, sau đó phải đưa đứa thứ 2 đến cơ quan vì sợ muộn giờ làm, đến giờ thì lại xin ra ngoài và đưa đứa thứ 2 đi học”.

Mẹ của Trang chia sẻ thêm: “Trước mắt tôi phải làm như vậy dù biết là mệt nhưng bây giờ mà thuê người ngoài hoặc xe ôm thì cũng khó biết thế nào. Có lẽ một thời gian nữa phải nhờ bà của em Trang ở dưới quê lên giúp một thời gian, rồi từ từ tìm hiểu mới thuê người sau".

Cần có sự kết hợp đồng bộ của các ban, các ngành…

Theo bà Nguyễn Kim Dung, Hiệu trưởng trường tiểu học Tô Hoàng (Đại Cồ Việt, Hà Nội), ngày đầu thực hiện theo múi giờ mới, không ít phụ huynh vẫn đưa con đến trường vào giờ trước đây. Nhà trường vẫn mở cửa để đón học sinh.

Khá nhiều bậc phụ huynh còn phản ứng gay gắt khi nhà trường thông báo đổi giờ học.

“Nếu là gia đình có ông bà hay người giúp việc thì không có vấn đề gì, nhưng với các gia đình không có người ở nhà để hỗ trợ trong việc đưa đón các cháu thì thực sự nhà trường có rất nhiều khó khăn trong việc giải thích và mong về phía gia đình thông cảm”, bà Dung nói.

“Với việc thay đổi giờ như thế này thì vào giờ chiều tan học cũng có nhiều bất cập, bởi lẽ với quy định thì học sinh tiểu học một ngày không học quá 7 tiết, trong đó 4 tiết học buổi sáng và 3 tiết học chiều. Trước đây, 3 tiết học buổi chiều thì 2h bắt đầu học và 4h10 là tan. Bây giờ quy định là 17h tan, có nghĩa là kéo dài thêm 50 phút nữa, Với khoảng thời gian như vậy thì về phía nhà trường cũng đang rất lúng túng, không biết phải làm gì trong khoảng thời gian 50 phút đó mà thời lượng học theo quy định thì không được quá 7 tiết một ngày. Tôi nghĩ với giờ học như vậy, có lẽ các trường tiểu học cũng khá khó khăn trong việc xắp xếp thời gian mà vẫn đảm bảo thời lượng học như quy định.” Cô Dung phân tích.

Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức - ông Nguyễn Quốc Bình cho biết, với ngày đầu tiên thực hiện quy định đổi giờ học thì không có vấn đề gì đáng nói, các em học sinh đã đến trường khá đúng giờ. Mặc dù cũng có khoảng trên dưới 70 đến 80 học sinh đến muộn, cũng có một số cô giáo còn đến muộn một phần cũng là do thói quen, phần nữa cũng là do còn thu xếp việc gia đình chưa hẳn đã đi vào guồng quay mới vào buổi sáng.

Để đảm bảo việc học của học sinh không bị xáo trộn khi thực hiện quy định đổi giờ học, nhà trường cũng phải xây dựng thêm hệ thống chiếu sáng cho sân trường để các hoạt động ngoài trời có thể thực hiện mà không ảnh hưởng gì, đặc biệt trong thời tiết mùa đông như thế này. “Một điều nữa mà tôi băn khoăn, đó là việc điều chỉnh về mặt tài chính. Nếu như trước đây, với giờ học cũ thì sẽ giữ nguyên mức năng lượng sử dụng cho việc chiếu sáng, nhưng bây giờ tất nhiên mỗi ngày sẽ phải mất thêm khoảng 1h30 phút cho việc sử dụng năng lượng do quy định kết thúc học vào lúc 19h”, ông Bình băn khoăn,

Ông Bình còn bày tỏ lo lắng: “Tôi nghĩ rằng, trong thời điểm khi mà đất nước đang còn khó khăn trong việc tiết kiệm năng lượng thì liệu đến thời điểm mùa hè vào các giờ cao điểm mà sử dụng nhiều các nguồn năng lượng như vậy có ảnh hưởng nhiều tới việc học của các em không, bởi rất có thể hiện tượng quá tải sẽ diễn ra và dẫn tới cắt điện”.

Nhiều ý kiến cho rằng, với học sinh cấp 3 thời gian tan học vào buổi chiều cũng rất muộn. 7h vào học đến 19h mới tan, như vậy phải sau 19h, các em học sinh mới về tới nhà vì còn phải tính quãng đường về, sau đó là tắm rửa và ăn tối nên thời gian ở nhà rất ít, khó đảm bảo cho việc học cũng như sức khỏe của các em học sinh khi ở nhà.

Hiệu trưởng của một trường cấp 3 ngoại thành cho rằng, với các trường ở ngoại thành trong điều kiện đi lại xa xôi như Từ Liêm hoặc Thanh Trì, có những trường mà nhà các em ở xa, vậy liệu việc đi lại của các em có đảm bảo về an toàn hay không.

“Vì vậy, theo tôi nghĩ để thực hiện và để chủ trương này thành công thì cần có sự kết hợp một cách đồng bộ của các ban, các ngành, thậm chí là sự tuyên truyền của các địa phương kết hợp cùng ý thức của người dân”, ông Bình đề xuất.

Theo thống kê trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 900 trường với trên 510.000 học sinh trên tổng số hơn 2.500 trường học và gần 1,5 triệu học sinh trên toàn thành phố nằm trong diện cần thực hiện thay đổi này theo Quyết định số 315/QĐ-UBND.

Các bậc học khác nhau cũng sẽ chịu tác động ở những mức độ khác nhau, song cấp học chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là mầm non, tiểu học do học sinh mầm non phụ thuộc vào sự đưa - đón của người thân.

Căn cứ theo quyết định đổi giờ học, giờ làm của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, chính thức từ ngày hôm nay (1/2/2012), các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông bắt đầu học từ trước 7h, kết thúc sau 19h.

Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở học từ 8h và kết thúc vào lúc 17h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30 hàng ngày.

Các cơ quan, tổ chức của Trung ương, thành phố, quận huyện, xã phường, thị trấn bắt đầu làm việc vào 8h và kết thúc vào 17h. Các trung tâm thương mại dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu làm từ 9h và kết thúc sau 19h. Nhà máy, xí nghiệp làm theo ca, lực lượng vũ trang nhân dân… giữ nguyên thời gian làm việc như hiện tại.

Tùng Anh - Nguyễn Thọ

Đọc thêm