Thay đổi mạnh mẽ trong việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật

(PLO) -Việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật được áp dụng biện pháp xử lý tại cộng đồng được rất nhiều quốc gia quan tâm. Tại Việt Nam, việc này đang được thay đổi mạnh mẽ từ các quy định của pháp luật đến nhận thức và thực tiễn.
 
Toàn cảnh tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm

Chiều 04/12, tại TP HCM, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức buổi Tọa đàm về thực tiễn giám sát, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật được áp dụng biện pháp xử lý tại cộng đồng. Tham dự buổi Tọa đàm có đồng chí Lê Tiến Châu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng đại diện nhiều cơ quan, ban ngành trên địa bàn thành phố.

Buổi Tọa đàm nhằm tìm hiểu năng lực của địa phương trong tổ chức thực hiện việc quản lý giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng như: công tác tham mưu, điều phối; trách nhiệm giám sát, giáo dục; các biện pháp giám sát, giáo dục thường được áp dụng; vai trò và sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện việc giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật được áp dụng các biện pháp xử lý tại cộng đồng; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị về việc giám sát, giáo dục.

Nhiều đại biểu đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện trong quá trình giám sát, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Tựu trung cho rằng các em có hoàn cảnh hết sức đặc biệt, sốc tâm lý vì gia đình biến động, nghèo đói, không được học hành, môi trường sống đưa đẩy nên vi phạm pháp luật. Đơn cử như quận Bình Thạnh, trong năm 2017 có 12 trường hợp người chưa thành niên phạm tội, trong đó chiếm đa số là cướp giật, một số em do có vi phạm ở trường hợp rất nghiêm trọng nên đã bị tạm giam, số còn lại áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Việc giám sát, giáo dục các em đòi hỏi phải có sự khôn khéo, nhẹ nhàng và hết sức thiết thực, xem đó như một công trình kiến trúc phải thấu hiểu, chia sẻ, tâm lý với các em thì mới thành công được.

Việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật được áp dụng biện pháp xử lý tại cộng đồng là chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên theo tinh thần Nghị quyết số 48 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị. Điều đó cũng nhằm bảo đảm sự phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em và các chuẩn mực pháp lý quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên. 

 Để thực hiện chủ trương đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục mà người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự phải thực hiện tại cộng đồng nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa tái phạm, bảo đảm phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng đối với các em. 

 Bên cạnh đó, để phù hợp với quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, bảo đảm việc áp dụng thống nhất trong thực tiễn, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Lê Tiến Châu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, để các biện pháp giám sát, giáo dục có thể áp dụng được trên thực tiễn một cách khả thi và hiệu quả, cần thiết phải xây dựng khung pháp lý quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc giám sát, giáo dục; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong việc giám sát, giáo dục và phối hợp. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức khảo sát liên ngành tại một số địa phương đang triển khai mô hình về trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị áp dụng các biện pháp xử lý tại cộng đồng do UNICEF hỗ trợ nhằm tìm hiểu thực tiễn thi hành các biện pháp xử lý tại cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự thảo Nghị định về vấn đề này.

Đọc thêm