Khi thong dong, lúc ì ạch
Ghi nhận trong ngày đi làm đầu tiên của năm mới, dọc tuyến đường buýt nhanh BRT đi qua, xe di chuyển dễ dàng hơn so với những ngày trước đó. Quan sát thực tế, nhiều tuyến đường vốn mật độ phương tiện khá đông nhưng các xe vẫn nối nhau theo đúng quy định mà không hề đi vào làn của BRT. Tại đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, nhưng làn đường của buýt BRT khá thông thoáng. Theo một số tài xế BRT, tốc độ trung bình khắp tuyến, từ bến xe Kim Mã tới Yên Nghĩa khoảng 30km/h.
Tuy nhiên, trong khung giờ thấp điểm xe xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã chỉ thi thoảng vẫn có xe máy và ô tô chạy lấn vào làn đường xe buýt nhanh, kể cả đoạn đường ưu tiên cho xe buýt nhanh bằng đèn tín hiệu, vì thế tốc độ vận hành xe bị giảm xuống.
Ghi nhận tại tuyến đường Lê Văn Lương, để kiểm soát phương tiện tham gia giao thông không lấn làn xe buýt nhanh, nhiều cảnh sát, thanh tra giao thông được điều phối phân luồng. Tuy nhiên, hàng trăm ôtô, xe máy vẫn đè lên làn riêng của buýt nhanh BRT. Tình trạng lấn làn, cướp làn của các phương tiện xuất hiện nhiều ở đoạn gần các nút giao.
Một số phương tiện đi vào làn đường ưu tiên được lực lượng thanh tra giao thông ứng trực ở các nút giao nhắc nhở, hướng dẫn. Ngay cả khi qua giữa ngã tư, những chiếc xe buýt này cũng bị nhiều phương tiện hướng cắt ngang vây kín. Theo ghi nhận của phóng viên sáng ngày 3/1, tại nút Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan, một phụ nữ đi xe máy lấn làn buýt nhanh hơn 1 km, dù lái xe bấm còi inh ỏi nhưng vẫn không chịu nhường đường. Tài xế tên Hà cho biết tình trạng này xảy ra thường xuyên
Trung tá Đỗ Mạnh Ninh - Đội trưởng Đội CSGT số 7, Công an TP Hà Nội cho biết, sau ngày nghỉ Tết Dương lịch, hôm nay Đội có 90 cán bộ ra đường thực hiện nhiệm vụ. Riêng trên tuyến đường Lê Văn Lương, Đội bố trí khoảng trên 20 CSGT ở các nút để thực hiện việc phân luồng, làn. “Các đồng chí báo về rằng đường Lê Văn Lương không xảy ra ùn tắc, chỉ ùn ứ ở một số điểm giao cắt”, theo Trung tá Đỗ Mạnh Ninh.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, lượng khách đi BRT tương đối đông và nhiều người trong số này muốn trải nghiệm loại hình giao thông công cộng mới của thủ đô.
Thống kê cho thấy, lượng khách trong ngày hoạt động chính thức (1/1/2017) đạt hơn 8.300 người, bình quân trên 31 khách/lượt xe và khoảng 360 hành khách/nhà chờ. 5 nhà chờ đón nhiều khách nhất là: Kim Mã với 1.500 khách, Yên Nghĩa gần 1.100 khách, Hoàng Đạo Thuý và Thành Công hơn 740 khách, Giảng Võ 450 khách. Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị cho rằng, hầu hết hành khách hài lòng, không có ý kiến khách phàn nàn về dịch vụ giao thông công cộng mới này.
Tuy nhiên, để đánh giá khách quan, thời gian tới thành phố sẽ khảo sát bài bản, khoa học để có thông tin chính xác, đầy đủ nhằm hoàn thiện hơn chất lượng của tuyến xe buýt nhanh. Theo lãnh đạo Trung tâm giao thông đô thị, trong ngày đầu vận hành chính thức, cơ bản BRT vận hành đúng với tốc độ dự kiến, các phương tiện giao thông bước đầu đã chấp hành, chỉ số ít vẫn lấn làn dành riêng cho BRT.
Mong xe buýt giảm thiểu ùn tắc – khó khả thi
Anh Phan Phúc Trường ở Văn Quán, Hà Đông cho biết: “Đôi khi lưu lượng tham gia giao thông quá đông gây ùn tắc, một số người điều khiển phương tiện thiếu ý thức cộng đồng, cố tình chạy vào làn đường xe buýt nhanh để được đi trước. Tôi đánh giá đây là hành động thiếu ý thức của người tham gia giao thông, khiến vấn đề giao thông ngày càng nan giải hơn”.
Còn theo anh Lê Từ Thịnh ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội: “Tôi từng sống ở nhiều thành phố lớn của Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đất nước họ cũng từng triển khai khá nhiều dự án na ná như xe buýt nhanh BRT nhưng việc thực hiện của họ dễ dàng hơn. Không chỉ là cơ sở hạ tầng tốt mà ý thức tham gia giao thông của người dân họ tốt. Dù đường có ùn tắc nhưng không ai tranh thủ nhảy vào làn đường ưu tiên xe buýt để đi đâu. Rõ ràng cần phải có một chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với người tham gia giao thông ý thức kém”.
Tuy nhiên, một số người dân khác lại cho rằng, không thể đổ lỗi cho ý thức của người dân mà cơ sở hạ tầng không theo kịp, không đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Theo nhiều người dân, ùn tắc ở Hà Nội không chỉ là do ý thức của người dân mà còn do cơ sở hạ tầng của không đáp ứng kịp. Trước khi có xe buýt nhanh thì những làn đường đó dùng để phục vụ các loại xe nhưng giao thông vẫn không thể cải thiện vì nó không đáp ứng nổi nhu cầu đang quá lớn. Nay dành riêng một làn cho xe buýt chạy để giảm thiểu ùn tắc vốn không hề khả thi… có chăng đó chỉ là sự “o ép” để lấy một hình ảnh đẹp về giao thông công cộng mà thôi.