Vụ nhà báo Khashoggi mất tích: Ả rập Xê-út cảnh báo trả đũa mạnh mẽ

(PLO) - Vụ biến mất của nhà báo gốc Ả rập Xê-út Jamal Khashoggi đang gây rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Ả rập Xê-út. 
Tổng thống Mỹ Trump và Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng hồi tháng 3
Tổng thống Mỹ Trump và Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng hồi tháng 3

Theo New York Times, Bộ Ngoại giao Ả rập Xê-út trong một tuyên bố ngày 14/10 đã “bác bỏ bất kỳ mối đe dọa và nỗ lực nào” hòng làm suy yếu nào nước này, dù bằng cách đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, sử dụng các áp lực chính trị, hay lặp lại những cáo buộc sai. Vẫn theo tuyên bố của Bộ này, nếu Ả rập Xê-út vấp phải bất kỳ hành động nào, nước này sẽ trả đũa mạnh mẽ hơn.

Những cáo buộc mà Ả rập Xê-út nhắc đến ở đây là tuyên bố của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó cho rằng một nhóm các điệp viên của Ả rập Xê-út đã sát hại nhà báo người Ả rập Xê-út Khashoggi, hiện là một công dân Mỹ đồng thời là một cây viết bình luận cho tờ The Washington Post.

Truyền thông Mỹ cho biết, ông Khashoggi được nhìn thấy còn sống lần cuối cùng là khi bước vào tòa lãnh sự Ả rập Xê-út ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ chiều 2/10. Các quan chức giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn các nguồn tin tình báo cho rằng ông Khashoggi đã bị một nhóm bao gồm 15 điệp viên của Ả rập Xê-út được điều đến Thổ Nhĩ Kỳ trên 2 chiếc trực thăng sát hại. 

Theo New York Times, camera an ninh tại tòa lãnh sự có ghi lại cảnh ông Khashoggi bước vào tòa nhà này nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ông ta đã đi ra khỏi đó. Vị hôn thê của ông Khashoggi nói rằng bà đã chờ ở bên ngoài cho đến tận đêm nhưng không thấy ông Khashoggi ra. Song, Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman và các quan chức khác của Ả rập Xê-út cho biết họ không nhận được thông tin gì về số phận của ông Khashoggi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng đã lên tiếng yêu cầu giới chức Ả rập Xê-út giải thích về vụ việc. 

Những cáo buộc nói trên đã dẫn tới việc Quốc hội Mỹ và Chính phủ các nước phương Tây gia tăng áp lực yêu cầu Ả rập Xê-út giải thích về vụ việc. Ngày 14/10, Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung yêu cầu mở một “cuộc điều tra đáng tin cậy để làm rõ sự thật về các diễn biến đã xảy ra và xác định danh tính các bên phải chịu trách nhiệm về vụ biến mất của ông Jamal Khashoggi, cũng như đảm bảo những người này phải chịu trách nhiệm”.

Ngoại trưởng của 3 nước trong một tuyên bố cho biết họ trông đợi Chính phủ Ả rập Xê-út có phản hồi đầy đủ và chi tiết về vụ việc”. Còn tại Mỹ, các nghị sỹ của cả 2 đảng đều đã lên tiếng yêu cầu cần phải áp đặt một số lệnh trừng phạt nếu Ả rập Xê-út bị chứng minh phải chịu trách nhiệm về vụ việc. “Nếu các thông tin đó được chứng minh là đúng, Quốc hội cần phải có phản ứng”, Nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio nói. 

Tuyên bố của Ả rập Xê-út cũng đã chỉ trích ông Trump không nhắc đến các phát biểu của Thái tử Ả rập Xê-út và những người khác, theo đó khẳng định ông Khashoggi đã rời khỏi tòa lãnh sự một cách an toàn. Trước đó, hôm 12/10 vừa qua, một phái đoàn của Ả rập Xê-út do Hoàng tử Khaled bin Faisal dẫn đầu đã tới Ankara để gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Hoàng tử Khaled, 78 tuổi là một thành viên cấp cao trong hoàng tộc, là Thống đốc của vùng Mecca, và là một cố vấn của Nhà Vua Salman. Vai trò của ông trong phái đoàn đã cho thấy sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay đối với Vua Salman.

Song, phái đoàn của Hoàng tử Khaled đã rời khỏi Ankara sau đó vài giờ mà không đưa ra tuyên bố nào. Tối cùng ngày, Vua Salman đã đích thân gọi cho Tổng thống Erdogan.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, tại cuộc điện đàm, 2 bên đã thảo luận về sự quan trọng của việc tiến hành một cuộc điều tra chung về vụ việc. Các động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Trump có mối quan hệ rất tốt với Ả rập Xê-út, coi đây là một đồng minh quan trọng. Ông Trump cũng đã chọn Riyadh là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống. Ông Trump cũng rất ủng hộ Thái tử bin Salman. Vì vậy, tuyên bố của Ả rập Xê-út ngày 14/10 được xem là dấu hiệu đầu tiên cho thấy căng thẳng giữa ông Trump và Thái tử bin Salman.