Thêm bê bối liên quan chung cư Phú Hoàng Anh (TP Hồ Chí Minh): Dấu hiệu hình sự khi “giam” hàng chục tỷ đồng quỹ bảo trì

(PLVN) - Không chỉ lạm quyền qua việc “giam” nhà cư dân có pháp lý đầy đủ, Ban Quản trị (BQT) chung cư Phú Hoàng Anh (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM) còn bị tố cáo “giam” khoảng 46 tỷ đồng quỹ bảo trì chung cư. Một số chuyên gia pháp lý nhận định, thậm chí vụ việc có dấu hiệu hình sự. 
Chung cư Phú Hoàng Anh.
Chung cư Phú Hoàng Anh.

Bị bãi nhiệm rồi chiếm giữ luôn quỹ bảo trì

Mới đây, PLVN đã có một số bài viết phản ánh vụ việc bà Nguyễn Thị Châm (SN 1945, thường trú TP Hà Nội) được con trai để lại ba căn hộ tại chung cư Phú Hoàng Anh để dưỡng già, tuy nhiên hơn bốn năm nay bà Châm không vào được nhà của mình vì bị BQT chung cư cản trở. Sự việc khiến dư luận bức xúc. 

Gần đây nhất, ngày 15/3/2021, Chủ tịch xã đã chủ trì cuộc họp để tìm biện pháp tháo gỡ các căn hộ bị “giam”. Tại cuộc họp, bà Châm yêu cầu BQT phải bồi thường thiệt hại 2 tỷ (gồm tiền thuê nhà để ở, tiền đi lại và tiền cho thuê 3 căn hộ trong 4 năm qua). 

Theo tìm hiểu, BQT cũ chung cư Phú Hoàng Anh được UBND huyện Nhà Bè công nhận bằng Quyết định số 273/QĐ-UBND ngày 6/2/2018 do ông Trần Hoàng Thái làm Trưởng ban, nhưng hoạt động được một thời gian ngắn thì bị cư dân bãi nhiệm. Ngày 5/10/2018, UBND huyện dựa trên cơ sở kết quả bầu cử của Hội nghị nhà chung cư, ra Quyết định 2551/QĐ-UBND để công nhận BQT mới (nhiệm kỳ 2018-2021). 

Ông Ngô Kim Đạo, thành viên BQT mới cho biết, hiện tại BQT chung cư Phú Hoàng Anh không tiếp cận được quỹ bảo trì khoảng 46 tỷ đồng do BQT cũ không chịu chuyển giao. BQT mới đã nhiều lần chủ động mời BQT cũ làm việc về các nội dung như bàn giao sổ tiết kiệm quỹ bảo trì tại ngân hàng; hồ sơ, giấy tờ, hiện trạng trang thiết bị và các vấn đề liên quan khác. Tuy nhiên, đến hiện tại BQT mới vẫn chưa nhận bất cứ thứ gì từ BQT cũ. 

Đáng chú ý, tên tài khoản quỹ bảo trì chung cư Phú Hoàng Anh có sự thay đổi khá bất thường. Ban đầu, BQT cũ đã mở tài khoản quỹ bảo trì mang tên: “BAN QUAN TRI CAO OC PHU HOANG ANH GIAI DOAN 1, số tài khoản: 132.10.00.0326929, Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam - Chi nhánh Nam Sài Gòn”. 

BQT mới nhiều lần mời BQT cũ họp nhưng không có kết quả.
 BQT mới nhiều lần mời BQT cũ họp nhưng không có kết quả.

Thế nhưng, đơn kêu cứu ngày 24/12/2018 của BQT mới do ông Phạm Cường làm Trưởng ban gửi đến cơ quan chức năng có nêu: “Quỹ bảo trì của chung cư hiện đang gửi bằng 5 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng SCB - Chi nhánh Phú Mỹ Hưng (ông Phan Lê Hùng với tư cách thành viên BQT cũ đang tạm thời giữ 5 cuốn sổ này). Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với đại diện SCB về thủ tục chuyển quyền đứng tên, sử dụng 5 sổ tiết kiệm trên.

Nhưng SCB trả lời do đây là sổ tiết kiệm được gửi dưới hình thức 11 đồng sở hữu và ông Thái (Trưởng BQT cũ) đứng tên chủ tài khoản nên ngân hàng không thể căn cứ theo Quyết định công nhận BQT mới của UBND huyện để thực hiện chuyển quyền đứng tên và cũng không chấp nhận trả lời bất kỳ công văn nào từ phía BQT chúng tôi”. 

Như vậy, tài khoản ngân hàng giữ quỹ bảo trì đã có sự thay đổi từ Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam - Chi nhánh Nam Sài Gòn sang SCB - Chi nhánh Phú Mỹ Hưng. Đồng thời tên tài khoản từ tên chung là BQT cũng chuyển sang tên cá nhân, dù là đồng sở hữu. Đại diện SCB xác nhận ông Thái được ủy quyền đứng tên 5 tài khoản ngân hàng. Nhiều năm qua, ông Thái được đưa vào diện “khách hàng thân thiết”. 

Có dấu hiệu của tội phạm?

Về vấn đề này, LS Hoàng Thu (Cty Luật Hoàng Thu) cho rằng, BQT cũ giữ tiền không bàn giao BQT mới, sử dụng không đúng mục đích, ngay cả khi chính quyền có yêu cầu thì đã có dấu hiệu hình sự. Người dân cần làm đơn tố cáo đến công an. 

LS Võ Đình Ai (Đoàn LS TP HCM), nêu quan điểm: BQT cũ được cộng đồng cư dân chung cư bầu ra theo thể thức bầu cử tại Hội nghị nhà chung cư và đã được UBND huyện công nhận bằng một quyết định hành chính. Vì vậy, các thành viên trong BQT là những người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS.

Việc BQT cũ chuyển dịch số tiền bảo trì thuộc sở hữu chung của cộng đồng cư dân từ tài khoản của BQT trước đó, sang các tài khoản cá nhân là có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 BLHS . 

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Thành Phú (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, theo quy định của điều luật, chỉ cần người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi chiếm đoạt (chuyển dịch tài sản người khác thành sở hữu của mình) là tội phạm đã hoàn thành, mà không nhất thiết người phạm tội phải có hành vi sử dụng, định đoạt với tài sản bị chiếm đoạt.

Bảy năm, thu tiền giữ xe hơn 37 tỷ đồng

Được biết, chủ đầu tư chung cư Phú Hoàng Anh - giai đoạn 1 là Cty CP Phú Hoàng Anh, được Sở Xây dựng phê duyệt dự án vào năm 2008, đến năm 2013 công trình hoàn thành và đi vào vận hành. Tổng số tiền của quỹ bảo trì chung cư khoảng hơn 44 tỷ. Chủ đầu tư đã chuyển cho BQT 36,9 tỷ, số tiền còn nợ lại là 7,9 tỷ đồng. 

Chủ đầu tư cho biết lý do chưa bàn giao số tiền còn lại bởi trong Quyết định phê duyệt dự án số 55/QĐ-SXD-PTN ngày 29/4/2008 của Sở Xây dựng thì tầng hầm có diện tích hơn 15.000m2 ghi rõ “thuộc phần sở hữu riêng của chủ đầu tư”. Nhưng từ khi bàn giao đến nay BQT sử dụng khai thác, không trả lại cho chủ đầu tư. Mặt khác, theo thống kê tạm tính từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2021, BQT đã thu tiền giữ xe tại tầng hầm này hơn 37 tỷ đồng, vượt xa con số chủ đầu tư còn nợ. 

Thiết nghĩ, các cơ quan công quyền cần khẩn trương vào cuộc để làm rõ những khuất tất tại chung cư Phú Hoàng Anh nhằm trả lại sự công minh của pháp luật cũng như bảo vệ cuộc sống người dân trong chung cư và tránh những bất bình trong dư luận.

Đọc thêm