Theo dấu “hoa vàng trên cỏ xanh“

(PLO) - Mê xem phim và mê đi chơi đến tất cả các nơi trên dải đất hình chữ S yêu thương này – tạm gọi đó là hai “tính xấu” của tôi. Nhưng không mấy khi hai “tính xấu” đó lại chạm nhau vì xem phim là xem phim, đi chơi là đi chơi. 

Cho đến một ngày, khi ánh đèn phòng chiếu vừa tắt, màn bạc trước mặt hiện lên doi đất xanh biếc nhô ra biển với những đứa trẻ, những cánh diều, thì hai “tính xấu” đó lại trỗi dậy cùng lúc gào thét: “Phú Yên ơi, xứ hoa vàng cỏ xanh ơi, hãy chờ tôi!”.

Mỗi người dân đều tự hào vì bộ phim

Những tín đồ của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hẳn còn nhớ, poster của phim là hình ảnh ba đứa trẻ đi trên cánh đồng lúa trải dài nắng gió. Theo từ điển Wikepedia, thì Phú Yên “với cánh đồng Tuy Hòa - cánh đồng lúa rộng nhất miền Trung, lương thực, đặc biệt là lúa, người dân đã tự túc và có phần sản xuất ra các tỉnh lân cận.

Sản lượng lúa bình quân hàng năm ước trên 320.000 tấn, đáp ứng nhu cầu của địa phương và bán ra tỉnh ngoài. Mặc dù không phải là trọng tâm nhưng đây là ngành kinh tế thu hút nhiều lao động của tỉnh, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo”.

Đó là ở khía cạnh kinh tế, còn ở góc độ du lịch thì là một vùng biển, nhưng Phú Yên nổi tiếng với những đồng lúa vàng ngả màu ánh hoàng hôn bên cạnh những ngọn núi. Đây cũng là một cảnh đẹp cực kỳ bình dị mà mỗi người đều có thể dễ dàng chứng kiến và cảm nhận khi đi trên những con đường quanh Phú Yên.

Và tôi xin nói thêm rằng, trên những cánh đồng đó, bất kỳ lúc nào cũng có thể thấy một cảnh quay nổi tiếng của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” với những đứa trẻ hồn nhiên đi trong lúa, sẻ chia với nhau niềm vui thôn dã.

Tại một cánh đồng ngay ven thành phố Tuy Hòa tôi đã gặp một đàn trẻ đang nối đuôi nhau đùa vui trên đồng. Tiếng cười của các em vẳng đến như chiếc đũa thần để tôi thấy lại mình cũng quần ống thấp cao, cũng nhem nhẻm đen giang nắng bắt chuồn chuồn như vậy trong những lần trốn ngủ trưa rong chơi ở xứ Quảng năm nào.

Điểm trường thôn 6 và lớp học – bối cảnh đã xuất hiện trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Như đã “quảng cáo” với tôi lúc đầu ở phi trường, cậu lái xe tên Võ Quang Tin trên chặng đường rong ruổi Phú Yên đã dẫn tôi đến Điểm trường thôn 6 tại huyện Tuy An – một trong những bối cảnh trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” nơi hai nhân vật của phim là Thiều và Mận theo học. Đến trường vào tầm giữa trưa nên các buổi học đã tan, các lớp học vắng người chỉ còn lại tiếng đám trẻ đang chơi ô ăn quan lao xao một góc trường.

Với những người đã từng đi công tác tại các vùng sâu, vùng xa, khó khăn, những điểm trường thế này không hề lạ lẫm gì với khung cảnh na ná giống nhau: những phòng học là dãy nhà cấp 4 thấp, những khung cửa sổ lớp thiếu ánh sáng, những khoảng sân trường nho nhỏ chưa kịp lát gạch…

Ở Điểm trường thôn 6 có điểm khác là sân trường vừa được trải bê tông, mùi xi măng mới vẫn chưa tan hết trong không khí. Bà Ngô Thị Th, một người dân sống cạnh trường cho biết, khi đoàn làm phim quay ở đây, sân trường chưa lát và còn được đổ thêm cát, những hàng rào quanh trường cũng được gỡ bỏ để tạo góc quay rộng. Cậu lái xe tên Võ Quang Tin cũng xác nhận điều này vì đoàn làm phim quay bối cảnh ở đây khá lâu mà trường lại nằm trên tuyến đường từ đập Tam Giang, nhà thờ Mằng Lăng đi ra Gành Đá Đĩa nên trong thời gian quay, cậu đã chở khách qua lại rất nhiều lần. “Đi qua thấy người ta quay nhiều lần, nên khi xem phim em nhận ra ngay” – Tin cho biết.

Vẫy một cậu bé đang chơi ô ăn quan ở góc sân, tôi hỏi em có biết ngôi trường mình đang học đã lên phim không, cậu bé nhoẻn miệng cười: “Dạ biết chứ ạ, con và các bạn đứa nào cũng thích cảnh trường mình trong phim ạ”. Hóa ra bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã được người dân Phú Yên tự hào chào đón như một đại sứ về cảnh đẹp quê hương mình. Thảo nào mà cậu lái xe tên Võ Quang Tin nói với tôi rằng, những lái xe như cậu được khuyến khích đi xem phim để biết còn giới thiệu với khách du lịch.

Nhân chuyện bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã được người dân Phú Yên tự hào chào đón như một đại sứ về cảnh đẹp quê hương mình, có thể nói Phú Yên là địa phương khá nhanh nhạy trong việc tận dụng sự ảnh hưởng của bộ phim để kích cầu du lịch. Được biết, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được công chiếu trên toàn quốc ngày 2/10 nhưng phải đến 31/10 tại Phú Yên mới bắt đầu công chiếu.

Tuy nhiên để bù lại sự muộn màng này, UBND và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Phú Yên đã mời đoàn làm phim về Phú Yên và thể hiện sự nhanh nhạy trước cơ hội kích cầu du lịch nhờ phim ảnh bằng cách mời đoàn làm phim đi thăm các điểm quay phim cùng các thắng cảnh của tỉnh, đồng thời đề xuất Jetstar - hãng hàng không duy nhất khai thác đường bay TP HCM - Tuy Hòa tăng cường thêm chuyến bay Phú Yên.

Sở VH-TT&DL Phú Yên đã và đang cùng các công ty du lịch địa phương tổ chức các tour lấy tên của bộ phim để kéo du khách đến các địa danh: bãi Xép, bãi Môn, gành Đá Dĩa, đầm Ô Loan, nhà thờ Mằng Lăng, đập Tam Giang, hải đăng Mũi Điện, Vũng Rô…

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên cho biết: “Những hình ảnh về tiềm năng du lịch Phú Yên “đẹp như phim” thật sự là cơ hội mà chúng tôi muốn xúc tiến để thu hút các nhà đầu tư và quảng bá để thu hút khách du lịch đến với Phú Yên. Chúng tôi rất sẵn lòng, tạo điều kiện thuận lợi nhất, hy vọng Phú Yên sẽ là điểm đến để các nhà làm phim, các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo ra những tác phẩm điện ảnh, video ca nhạc hay trong thời gian tới…”.

Đúng như tinh thần hào hứng của người dân nói chung và sự nhanh nhạy của cơ quan quản lý văn hóa – du lịch tỉnh nói riêng, tại Phú Yên, khách du lịch không khó khăn để tìm thấy những tấm biển chỉ dẫn bên đường chỉ đến những địa điểm đã trở thành bối cảnh trong phim. Chỉ riêng con đường dẫn bãi Xép (là doi đất nhìn ra biển xuất hiện trong cảnh thả diều ở đầu phim) đã có tới hai tấm biển chỉ dẫn rất chi tiết với cả hình ảnh trên phim khiến nhiều khách du lịch hào hứng chụp ảnh cùng như một bằng chứng đã đến xứ hoa vàng cỏ xanh.

Đừng để trôi qua như một vụ mùa…

Bên cạnh sự nhanh nhạy thì du lịch Phú Yên nói chung, hay nói theo kiểu nói của dân phượt là hành trình “theo dấu hoa vàng trên cỏ xanh” nói riêng vẫn còn rất nhiều điều phải nói. Với nhiều người, trong đó có tôi, đó là hàng rào tay vịn bằng xi măng giả trẻ để đi xuống gành Đá Đĩa trông không hề ăn nhập chút nào với quang cảnh thiên nhiên xung quanh.

Nhiều du khách cho rằng nếu tay vịn được làm từ các chất liệu từ thiên nhiên như đá hay giản dị hơn là những tay cầm bằng tre hoặc gỗ mộc thì gành Đá Đĩa sẽ giữ được vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết đáng ngưỡng mộ của riêng mình. Hay bãi Xép, bãi Tiên –Mũi Điện du khách trả tiền qua cổng chỉ để ngắm trời mây và mong ước giá như có cái quán nho nhỏ xinh xinh để ngồi nghỉ ngơi, nhâm nhi ly giải khát nghe sóng biển.

Vẫn biết rằng tại nhiều điểm du lịch ở nước ta những quầy hàng lưu niệm lụp xụp hay những thứ nhân tạo khác đang “giết chết” cảnh quan. Nhưng lỗi không nằm ở những quầy hàng như vậy mà nằm ở con mắt và thái độ của nhà quản lý du lịch. Xuất hiện ở trong phim thảm cỏ ở bãi Xép cỏ xanh, trời xanh, biển xanh làm nền cho cánh diều trắng hớp hồn bất kỳ ai xem phim.

Nhưng trên thực tế, cỏ ở bãi Xép úa vàng mảng chết, mảng còn vì nắng trời, gió biển đã đành mà còn vì cả bàn chân phũ phàng dẫm đạp của du khách và thiếu vắng sự tái đầu tư của người làm du lịch. Ngỡ ngàng – đó là cảm giác của nhiều người khi đến đây và so sánh thực tế với bãi Xép ở trong phim.

Những năm gần đây, cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ, di sản phong phú, cùng phong tục tập quán đặc sắc ở nhiều địa phương Việt Nam đã xuất hiện trong nhiều bộ phim gây được tiếng vang như cao nguyên Đồng Văn của tỉnh Hà Giang đẹp và hùng vĩ trong “Chuyện của Pao”; cảnh sắc mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ làm người xem rung động sâu sắc trong “Mùa len trâu”; còn “Thiên mệnh anh hùng” lại khiến người xem đắm chìm trong khung cảnh non xanh nước biếc hùng vĩ của vùng đất Ninh Bình…

Nhưng thật đáng tiếc tất cả những bộ phim này đều chưa thể trở thành chất xúc tác giúp đẩy mạnh du lịch như nhiều nước từng làm. Phú Yên đang tràn ngập hi vọng trở thành một điểm đến của... “du lịch cảm xúc” trong năm 2016 này. Vấn đề quan trọng nhất còn lại là những người làm công tác quản lý du lịch địa phương có nắm bắt cơ hội hay sẽ để trôi qua như một “vụ mùa”...

Đọc thêm