Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh tới việc Chính phủ Việt Nam đang thực hiện bước chuyển hướng chiến lược từ đặt trọng tâm vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức THPL.
Mục tiêu trong giai đoạn hiện nay là nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL phục vụ phát triển đất nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật theo yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2018, công tác theo dõi THPL đã được triển khai bài bản hơn, với nhiều đổi mới, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Song, công tác này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như thể chế về theo dõi THPL vẫn còn thiếu; hiệu quả công tác theo dõi THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành chưa rõ nét; chưa có bộ công cụ hoàn chỉnh giúp cho việc theo dõi đánh giá hiệu quả, chính xác tình hình THPL ở các cấp độ khác nhau…
Vì vậy, Thứ trưởng cho biết, kết quả tọa đàm sẽ là nguồn thông tin và luận cứ quan trọng để Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về theo dõi tình hình THPL, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về theo dõi THPL.
Tham dự Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL nêu lên những vướng mắc, bất cập của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL. Theo đó, pháp luật hiện hành quy định nhiều chủ thể có quyền, trách nhiệm trong hoạt động theo dõi THPL nhưng chưa có các quy định mang tính ràng buộc chung về trách nhiệm phải thường xuyên thực hiện theo dõi THPL của các chủ thể này. Ngoài ra, do pháp luật không quy định cụ thể đối tượng theo dõi là gì nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong việc thực hiện công tác theo dõi THPL của các bộ, ngành, địa phương.
Một bất cập khác phải kể đến là phạm vi nội dung theo dõi THPL hiện nay quá rộng, không rõ ràng nên dẫn đến khó khăn, lúng túng cho các chủ thể thực hiện việc tổ chức theo dõi THPL. Pháp luật tuy có quy định về mặt nguyên tắc biện pháp xử lý kết quả theo dõi THPL nhưng không quy định rõ các biện pháp, hình thức xử lý như thế nào và thẩm quyền xử lý của Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp đối với nhóm biện pháp, hình thức xử lý đó. Việc thiếu vắng các quy định về thẩm quyền xử lý của chủ thể theo dõi trong trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả của công tác này.
Nêu một số điểm hạn chế trong công tác theo dõi THPL về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 59. Theo đó, cần quy định rõ trách nhiệm theo dõi văn bản quy định chi tiết thi hành của bộ, ngành đối với từng trường hợp khác nhau như Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản cấp Chính phủ do bộ, ngành đó trình ban hành hoặc do các cơ quan khác trình ban hành.
Nghị định sửa đổi, bổ sung cũng cần thu hẹp nội dung theo dõi THPL, chỉ yêu cầu các nội dung có khả năng thực hiện trong thực tế. Ngoài ra, cần sửa đổi thời hạn báo cáo về tình hình theo dõi THPL cho tương đồng với thời gian báo cáo của các hoạt động khác về công tác pháp chế và quy định rõ mối quan hệ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với các bộ, ngành trong công tác theo dõi THPL.
Còn đại diện đến từ Bộ Công an cho rằng cần quy định cụ thể những tiêu chí để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong từng lĩnh vực. Quy định về tiêu chuẩn của cộng tác viên pháp luật cũng là một nội dung quan trọng nên cần bổ sung quy định chi tiết về tiêu chuẩn, cơ chế cộng tác viên theo dõi tình hình THPL trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59.