Thí điểm bỏ biên chế giáo viên: Chặt chẽ để không có hậu quả vì trào lưu 'ký hợp đồng'

(PLO) - Tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục TP Quy Nhơn và tỉnh Bình Định trung tuần tháng 5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đưa ra một thông tin về việc Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên (GV).
Áp dụng chế độ hợp đồng để tăng chất lượng đội ngũ giáo viên. Ảnh minh họa.

Rất nhiều ý kiến tán thành chủ trương với hy vọng có một nền giáo dục và đào tạo năng động hơn. Nhưng để phát huy được tính cạnh tranh từ chế độ hợp đồng lại cần đến sự công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng đội ngũ GV.

“Phình” biên chế giáo viên do “tự tung tự tác”

Đầu năm 2017, tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 của các Sở GD&ĐT, tình trạng “Giáo viên: Vừa thiếu, vừa thừa” đã được phản ánh như một vấn đề tồn tại đã lâu và “cần quan tâm ngay” của ngành GD&ĐT trước thềm đổi mới chương trình và sách giáo khoa (dự kiến tiến hành từ năm học 2017-2018). Báo cáo sơ kết của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho thấy, số GV ở hệ thống trường công lập trong cả nước dôi dư 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551). 

Một số tỉnh có số lượng dôi dư GV cấp trung học cơ sở như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096; các tỉnh còn thiếu GV mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195. Trong khi đó, cả nước vẫn thiếu hơn 45.000 GV, đặc biệt là GV tiểu học như TP Hà Nội (2.696), Sơn La (1.133), Gia Lai (1.196)… 

Một trong những nguyên nhân chính là những bất cập, thậm chí “vết đen” trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức của ngành đã dẫn khiến đội ngũ GV rơi vào tình trạng “thiếu, thừa cục bộ”. Tại Hội nghị, ông Trần Kim Tự, Cục trưởng Cục nhà giáo còn cho biết, “tận dụng” tình trạng thiếu GV, nhiều địa phương đã ký hợp đồng với GV tràn lan, thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ, gây nhiều bức xúc cho các thầy cô giáo và xã hội như ở các trường hợp ở tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau.

Trong điều kiện như vậy, những GV đã “chắc chân biên chế” sẽ “tà tà mà làm vì thiếu tính cạnh tranh. Còn đội ngũ GV hợp đồng lại rất khó an tâm công tác vì không biết lúc nào bị “đuổi” khỏi vị trí việc làm.

Thực tế hàng trăm thầy cô giáo bị chấm dứt hợp đồng ở những địa phương nêu trên đã cho thấy công tác quản lý đội ngũ GV còn nhiều “kẽ hở” mà theo các chuyên gia của ngành GD&ĐT là do sự phân cấp trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, GV chưa rõ ràng, thậm chí quy định “quá mở”, tạo điều kiện cho việc áp dụng tùy tiện, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, sự ổn định của hoạt động dạy và học trong các cơ sở giáo dục và gây bất ổn trong xã hội. 

Cạnh tranh cao vì “có vào - có ra”

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khi không còn biên chế công chức, viên chức trong GV thì đội ngũ này sẽ được quản lý theo chế độ hợp đồng “có vào – có ra” với chế độ đãi ngộ lớn nhằm tăng chất lượng đội ngũ GV. Muốn vậy, “các địa phương chủ động trong việc đào tạo GV kiêm nhiệm. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng” – Bộ trưởng gợi ý.

Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, việc thí điểm sẽ có lộ trình, áp dụng kiêm nhiệm tiến tới tinh giản đối với các vị trí kế toán theo kiểu “1 kế toán phục vụ 3 - 4 trường” hoặc cho các trường thuê kế toán; “hợp nhất” vai trò của các trạm y tế xã với y tế học đường, trừ các trường hợp trường ở xa trạm xá thì sẽ cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý.

Với mô hình này, Bộ trưởng hy vọng sẽ có đội ngũ GV đảm bảo chất lượng do được đầu tư bài bản từ khâu đào tạo, tuyển chọn, có tính cạnh tranh cao do chế độ “có vào – có ra”. Dù là ý tưởng rất mới so với tình hình hiện nay song dưới góc độ thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và tăng cường xã hội hóa ngành GD&ĐT thì việc áp dụng chế độ hợp đồng thay vì chế độ biên chế công chức, viên chức trong GV sẽ là bước tiến rất đáng kể để cải thiện bộ máy cũng như chất lượng đội ngũ này. 

Như đã đề cập, chế độ hợp đồng “có vào – có ra” được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra để thay thế cho chế độ biên chế trong GV sẽ đem đến tính cạnh tranh cao, tạo ra một cuộc chơi sòng phẳng để những người không còn đáp ứng yêu cầu “dừng bước” và nhường cơ hội cho những người có khả năng. Đó chính là điểm mấu chốt cho việc nâng cao chất lượng GV khi loại bỏ được “tính ỳ” do tâm lý “yên tâm vì đã vào biên chế” vốn bén rễ lâu này trong đội ngũ công chức, viên chức, không chỉ của ngành giáo dục. 

Thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, tính ỳ và tâm lý “an phận” khiến công chức, viên chức “dậm chân tại chỗ” về chuyên môn, trì trệ không chịu đổi mới và không đổi mới được. Đối với đội ngũ GV, điều này rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến chất lượng các thế hệ học sinh, nền giáo dục và sự phát triển của đất nước. Thậm chí, có ý kiến còn bình luận rằng, những GV không đổi mới vì đã vào biên chế “như một cây tầm gửi bám vào hệ thống, khiến nó ngày càng ì ạch”

Song điều khiến các chuyên gia và dư luận quan tâm là công khai và minh bạch trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ GV để không có chỗ cho “chủ nghĩa xin – cho” nhờ chế độ hợp đồng “có vào – có ra”. Theo những GV đồng tình với chủ trương mới của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cần có những bước đi cụ thể, vững chắc, không biến việc tuyển dụng theo hợp đồng thành trào lưu của các cơ sở giáo dục. 

Cùng với đó, cần có những quy định và quy trình chặt chẽ để khi áp dụng chế độ hợp đồng, ngành GD&ĐT không phải là “điểm đỗ” của những người bị các ngành khác “từ chối”, để tránh “vết xe đổ” của những vụ việc luân chuyển GV cấp THCS sang dạy bậc mầm non do tình trạng dôi dư GV quá nhiều tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) năm 2015, hay hàng trăm GV bị chấm dứt hợp đồng ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Phú Yên… mấy năm gần đây vì tuyển dụng tràn lan.

Làm việc với đoàn khảo sát đánh giá về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT của Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban làm Trưởng đoàn chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết quan điểm của Bộ là quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống tổ chức nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tháo gỡ tắc nghẽn trong tổ chức, hoạt động của các đơn vị. Bộ sẽ đặt các trường, nhất là đại học trong môi trường cạnh tranh, có phân tầng, phân hạng đại học thông qua các tiêu chí kiểm định rõ ràng. 

Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động để thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng bày tỏ băn khoăn đối với việc áp dụng cơ chế tự chủ tại các trường phổ thông. Từ thực tế các trường tư thục đã quản lý lao động theo hợp đồng hiệu quả, ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị cần đẩy mạnh để các trường đại học, phổ thông tự chủ trong tuyển lao động, tự đánh giá cán bộ... - Thành Chung

Đọc thêm