TP. Vinh: Một công văn “làm loạn” việc tuyển sinh nhiều cấp

(PLO) - Nhiều vướng mắc và nghịch lý xung quanh Công văn 334 hướng dẫn tuyển sinh năm học 2014 – 2015 của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.Vinh…
Trường Tiểu học Lê Mao chịu áp lực lớn trước mùa tuyển sinh
Trường Tiểu học Lê Mao chịu áp lực lớn trước mùa tuyển sinh
Bất cập từ Công văn hướng dẫn
Theo nội dung Công văn trên, đối tượng tuyển sinh là học sinh trong độ tuổi thuộc diện phổ cập của trường. Các trường căn cứ danh sách phổ cập của trường mình để thu nhận hồ sơ tuyển sinh. Không nhận hồ sơ tuyển sinh của học sinh không có trong danh sách phổ cập của trường. Những trường hợp khác phải có ý kiến đồng ý của UBND TP.Vinh các trường mới được nhận hồ sơ. 
Theo đó, các trường thành lập Hội đồng tuyển sinh, căn cứ vào Công văn hướng dẫn trên để tổ chức tuyển sinh với chỉ tiêu được giao. Việc giao chỉ tiêu cho các trường được Phòng GD&ĐT thành phố căn cứ vào Điều lệ của từng cấp học, số liệu học sinh theo phổ cập, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục. 
Trong khi có trường chỉ tiêu tuyển sinh được giao thấp hơn nhiều so với số liệu học sinh trong danh sách phổ cập thì tại một trường khác được cho là có  “thương hiệu”, chỉ tiêu được giao lại cao hơn so với danh sách phổ cập. 
Liên quan đến vấn đề ngoài danh sách phổ cập, ngoài chỉ tiêu tuyển sinh, theo ý kiến của một số phụ huynh và giáo viên các trường thì nội dung Công văn 334 không hướng dẫn cụ thể “UBND thành phố có ý kiến” là ý kiến như thế nào? Ai là người có quyền được ý kiến? Ý kiến đó dựa vào cơ sở nào?
Thực tế, các trường có “danh tiếng” nhận rất nhiều hồ sơ, trong đó nhiều hồ sơ trái tuyến nhưng đã có ý kiến của lãnh đạo. Tuy nhiên, ý kiến theo kiểu “quen ai, người đó có ý kiến” và chủ yếu là con cháu “cán bộ”. Điều này làm cho kế hoạch tuyển sinh bị “phá vỡ”. Còn nguyên nhân khác phải nhận hồ sơ tuyển sinh là do phổ cập sót, hoặc chuyển về sau thời điểm.
Một giáo viên đang công tác tại địa bàn TP.Vinh chia sẻ: “Khi đi phổ cập, giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (THCS) kết hợp với cán bộ xóm phải đến từng nhà trên địa bàn để điều tra từng hộ có nhà trên địa bàn, hoặc tạm trú lâu dài, vất vả lắm. Đến mùa đi phổ cập là em bạc cả tóc, nếu phổ cập sót thì sẽ bị trường xem xét trách nhiệm, bởi vậy bọn em phải làm rất kỹ”. 
“Học sinh không phải ngồi ngoài hành lang”?
Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP.Vinh chủ yếu đều là trường chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có trình độ tương đương nhau. Tại Trường Tiểu học Đông Vĩnh, theo danh sách điều tra phổ cập có 197 em, đến ngày 24/7 trường mới chỉ nhận được 110 bộ hồ sơ tuyển sinh, trong khi đó chỉ tiêu được giao là 130, sĩ số lớp học trung bình từ 30 đến 35 em/ lớp.
Trường Tiểu học Lê Mao, ngôi trường được cho là có “thương hiệu” thì con số lại “vênh” khi chỉ tiêu được giao là 245/7 lớp, trong khi đã nhận gần 300 hồ sơ tuyển sinh. Gần 50 hồ sơ không nằm trong danh sách phổ cập được lý giải do “phổ cập sót”, một số hộ chuyển về sau thời điểm và một phần nhỏ là “có ý kiến của lãnh đạo”. 
Ông Đặng Quang Canh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao cho biết: “Trung bình mỗi lớp hiện nay khoảng 45 em, học sinh đông thì giáo viên vất vả, lương cũng chỉ được hưởng như thế nhưng phải chăm sóc, dạy dỗ nhiều hơn, phải chấm bài nhiều hơn. Học sinh dù đông, chúng tôi vẫn bố trí chỗ ngồi đầy đủ cho các em, không có em nào phải ngồi ngoài hành lang, hay ngồi lên cửa sổ”. Cũng theo thầy Canh thì quy định trường chuẩn quốc gia sĩ số học sinh không quá 35 học sinh/lớp.
Năm học 2013 – 2014, khối lớp 1 Trường Tiểu học Lê Mao có 376 học sinh/8 lớp. Do số lượng học sinh quá đông nên tách thành 9 lớp, thêm lớp là phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, giáo viên, mà thời điểm này, để tăng biên chế giáo viên là rất khó. Cũng tại trường này, năm trước đã phải chia ca để học do thiếu lớp nên nhiều học sinh phải học cả ngày thứ bảy, nhưng được nghỉ 1 ngày giữa tuần. Nhiều phụ huynh bức xúc trước cách sắp xếp lịch học của trường, bởi gây không ít khó khăn cho phụ huynh về việc chăm sóc, quản lý con cái trong khi mình phải đi làm nhiều.
Ai cũng muốn con mình được học trong môi trường tốt, bởi vậy khi thấy trường nào nhiều người xin vào, nghe nói có chất lượng tốt thì các bậc phụ huynh sẽ xin cho con mình vào học bằng mọi cách. Nhằm tránh tình trạng “chạy” trường dẫn tới vượt chỉ tiêu được giao cũng như việc mất cân bằng số lượng học sinh giữa các trường trên cùng địa bàn, đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn đến quá trình tuyển sinh ở TP. Vinh./.

Đọc thêm