Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Những “cú hích ảo” đẩy giá tăng đến 300%

(PLO) - Nhiều thời điểm giá bất động sản (BĐS) tại Đà Nẵng tăng đến 300% giá trị, nhưng không phải do nhu cầu thực về đầu tư, mà bị môi giới dùng nhiều chiêu trò “thổi phồng” tạo nên hiện tượng “bong bóng” BĐS.
Hàng nghìn sàn giao dịch bất động sản hoạt động tự do tại Đà Nẵng.
Hàng nghìn sàn giao dịch bất động sản hoạt động tự do tại Đà Nẵng.

Trong thời gian gần đây Đà Nẵng luôn là lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư BĐS lớn trong và ngoài nước, đã làm cho giá trị BĐS tại nơi đây tăng nhanh. Thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường như CBRE, Savills, giá BĐS tại Đà Nẵng trong khoảng 5 năm trở lại đây tăng từ 20 – 40%/năm.

Bán đất bằng chiêu trò “thổi” giá

Tuy giá đất ở Đà Nẵng chưa cao bằng TP HCM và Hà Nội nhưng đang ở mức cao bất thường so với thực tế. Đáng chú ý là sự tăng cao ấy không xuất phát từ nhu cầu thực tế là yếu tố cung – cầu mà do nhiều nhà đầu tư bỏ tiền ra để đầu cơ BĐS và thông tin ảo lẫn nhau từ các nhà đầu cơ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro bất trắc khó lường.

Các nhà đầu tư sau khi đầu cơ sẽ cho các đơn vị, cá nhân làm môi giới dựng lều, cắm chốt có từ 1 - 2 người thường xuyên túc trực ngay trên lô đất để bán và được hưởng hoa hồng. Sau đó nhà đầu tư lại thuê các nhóm người khác giả vờ đến hỏi mua đất ở các khu vực như người có nhu cầu đầu tư thật, qua mỗi lần như vậy môi giới bán lẻ lại nói tăng thêm vài giá, làm cho BĐS không ngừng tăng cao.

Anh Sơn - quản lý điểm giao dịch BĐS Media bán hàng dự án Seaprodex tại khu vực chân cầu Thuận Phước (quận Sơn Trà) cho biết, trên lô đất của dự án này có hàng chục điểm giao dịch BĐS, mỗi người quản lý một điểm khi có khách hàng đến hỏi thì dẫn đi xem các lô đất và báo giá, nếu bán được thì nhà đầu tư sẽ chiết khấu lại hoa hồng từ 1 - 5% tùy theo quy mô và giá trị của sản phẩm bán ra.

Thống kê của một số điểm giao dịch BĐS tại quận Sơn Trà cũng cho thấy, từ giữa năm 2016 đến nay giá đất tại khu vực này đã tăng trên 300% giá trị, nếu ở thời điểm cách đây gần 1 năm đất ở vị trí đẹp trên trục đường Võ Nguyên Giáp có giá bán 35 - 40 triệu đồng/m2 thì đến nay đã tăng lên 120 triệu đồng/m2, có nơi tăng lên 150 triệu đồng/m2.

Thị trường hỗn loạn vì những “cú hích ảo”

Bên cạnh các chiêu trò “thổi phồng” giá của giới đầu cơ, nhóm người môi giới cũng làm cho thị trường BĐS Đà Nẵng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Một số “cò” không chỉ dừng lại ở việc bán hàng hưởng hoa hồng, mà còn sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất nhỏ so với giá trị dự án để đặt cọc giữ đất nhằm tạo ra “cú hích ảo” trong mua bán.

Từ việc tạo ra sự sôi động giả trong giao dịch đã thu hút được thêm nhiều người đến mua đất với nhu cầu trục lợi. Chiêu trò của các môi giới bán lẻ là trong khoảng thời gian đặt cọc sẽ có thỏa thuận chờ từ 15 - 30 ngày để chuyển tiền, sẽ tìm kiếm một khách hàng mới để bán sang tay với giá bán được tăng lên từ vài chục cho đến hàng trăm triệu, cứ như vậy mỗi lần mua bán sang tay từ thỏa thuận đặt cọc giá đất lại được tăng lên.

Hiện nay, trên địa bàn TP có hàng nghìn sàn giao dịch BĐS bao gồm cả những sàn giao dịch có đăng ký quản lý và những sàn giao dịch tự phát do các cá nhân lập lên để làm môi giới. Tuy nhiên, việc quản lý các sàn giao dịch này là rất khó khăn do phần lớn các sàn giao dịch được tổ chức theo kiểu di động, ở đâu có dự án bán thì ở đó sẽ mọc lên những sàn giao dịch tạm bợ, từ một thùng hàng container hay một tấm bạt che cũng đã trở thành sàn giao dịch hoặc điểm giao dịch.

Luật Kinh doanh BĐS cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS, kinh doanh dịch vụ BĐS được thành lập sàn giao dịch BĐS hoặc thuê sàn giao dịch của các tổ chức, cá nhân khác để phục vụ cho hoạt động kinh doanh BĐS, dẫn tới tình trạng các chủ đầu tư gửi sản phẩm BĐS qua nhiều sàn khác nhau. 

Các sàn giao dịch BĐS được thành lập quá nhiều theo “độ nóng” của thị trường và đã tự ngừng hoạt động khi thị trường trầm lắng nhưng không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh BĐS của các chủ đầu tư. Cùng với đó, tình trạng hỗn loạn về giá BĐS do những chiêu trò của “cò” đã gây tâm lý hoang mang, tiếc nuối cho nhiều hộ dân sau khi bán đất.

Luật BĐS đã được Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện giao dịch qua sàn BĐS, số lượng sản phẩm BĐS chủ đầu tư được quyền bán không qua sàn giao dịch hoặc gửi sản phẩm BĐS qua nhiều sàn giao dịch sẽ bị hạn chế... nhưng qua thực tế thị trường BĐS Đà Nẵng thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều hành vi lách luật của các chủ đầu tư và cả môi giới trong các giao dịch BĐS.

Vì vậy, Đà Nẵng cần phải có sự quản lý chặt chẽ các sàn giao dịch BĐS để tránh những hậu quả đáng tiếc của hiện tượng “bong bóng” BĐS đối với các nhà đầu tư cũng như những người dân có nhu cầu giao dịch BĐS. 

Anh Trần Việt - nhân viên sàn giao dịch BĐS THM tại Sơn Trà cho biết: “Hàng ngày tôi chạy xe máy quanh các khu vực có đất dự án dò hỏi thông tin xem có mảnh đất nào bán, gặp người quản lý vờ thỏa thuận về giá, thấy hợp lý sẽ đặt cọc vài chục triệu. Ví dụ mảnh đất trên 1 tỷ đồng sẽ đặt cọc từ 50 - 70 triệu đồng, chờ ít ngày có người mua mình sẽ tăng giá nếu đồng ý thì chuyển giao hợp đồng đặt cọc cho người mới”. Đây là một “phương thức” để kích cầu BĐS được áp dụng trên thị trường Đà Nẵng.

Đọc thêm