Thị trường thuốc và TPCN: Thiếu tiêu chuẩn dễ “đánh lận con đen”

(PLO) - Trong những năm qua, thị trường thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam phát triển không ngừng nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường này đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, lỏng lẻo từ quản lý, sản xuất đến phân phối. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với đó, những quy định bất hợp lý và thiếu tính nhất quán của các cơ quan quản lý khiến thị trường phát triển một cách tự phát, tràn lan và thiếu minh bạch, những vụ kinh doanh “chụp giật”, lừa dối khách hàng vì lý do lợi nhuận, làm méo mó, mất cân đối thị trường và đẩy người tiêu dùng vào “ma trận” thuốc và TPCN.

“Nhập nhằng” thuốc và thực phẩm chức năng 

Tại tọa đàm trực tuyến chủ đề “Thị trường Thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) – Minh bạch để phát triển” do báo Diễn đàn doanh nghiệp (DN) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Tất Đạt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, ngành Dược Việt Nam là một trong những ngành kinh doanh có điều kiện trong 267 ngành kinh doanh có điều kiện. 

Theo đó, tất cả các lĩnh vực từ lưu thông phân phối, đến kiểm nghiệm, bán buôn bán lẻ đều phải có giấy phép kinh doanh. Hiện nay phát triển ngành dược đã đi vào quy hoạch với 163 nhà máy sản xuất đảm bảo theo quy trình chặt chẽ, 4 nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn Châu Âu. Sản xuất thuốc trong nước đã đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Vậy nhưng thuốc nội không chỉ lo cạnh tranh với thuốc ngoại nhập ngay trên sân nhà mà còn đang phải đối phó với “đối thủ” mới là các sản phẩm TPCN. Nhờ những quảng cáo mập mờ về công dụng chữa bệnh, nhiều TPCN đang được tôn lên thành “thần dược”. Mặc dù mỗi quảng cáo TPCN đều có lưu ý “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế chữa bệnh” song đối với người tiêu dùng, việc phân biệt thuốc và TPCN thực sự không dễ dàng vì nhóm sản phẩm giao thoa giữa thuốc và thực phẩm này. 

PGS.TS Lê Văn Truyền – nguyên thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, TPCN là nhóm nằm ở biên giới giữa thuốc và thực phẩm. Hiện nay, việc quản lý thuốc và TPCN cần có sự kết hợp nhưng khó phân định ranh giới. Nếu các cơ quan chức năng không phối hợp với nhau thì sẽ xuất hiện nhiều khoảng không về pháp lý và khoảng trống quản lý.

Dẫn chứng cụ thể, PGS.TS Lê Văn Truyền chỉ ra, với cách xây dựng các bộ luật riêng và cách thức quản lý thuốc và TPCN như hiện nay thì những sản phẩm nằm ở khoảng giữa các đối tượng điều chỉnh của các luật sẽ không được điều chỉnh như TPCN. Đây chính là khoảng trống để DN hóa dược có thể “lách luật”, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nhưng dưới góc độ quản lý chuyên môn, TS Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) lại cho rằng, giữa thuốc và TPCN không phải là khoảng trống mà là giao thoa cho nên ở trong phần chồng lấn thì người này hiểu là thuốc, người kia hiểu là TPCN. Khi quản lý có thể biết được và có sự phối hợp giữa các bên vì cơ bản, hiện hệ thống pháp luật về an toàn TPCN đã có các văn bản đã đủ quy định để tránh gây hiểu lầm và thiệt hại cho người tiêu dùng khi sử dụng TPCN. 

Ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam chỉ rõ, ngành dược Việt Nam hiện đang làm rất tốt nhưng chưa thực sự đi vào phát triển theo hình thức chuỗi giá trị nên thiếu tính chuyên nghiệp, cản trở tới sự chuyên môn hoá trong từng khâu đối với từng DN. Hiện chưa có bất kỳ tiêu chuẩn kỹ thuật nào để quản lý đối với những DN kinh doanh TPCN.

Ngoài ra, một trong những vấn đề bức xúc gần đây là vấn đề quảng cáo TPCN điều trị được nhiều bệnh. Quảng cáo TPCN phải được cơ quan chức năng phê duyệt và phù hợp với nội dung công bố nhưng các DN vẫn đang lách bằng quảng cáo qua mạng thông tin, xã hội.

Do đó, Cục An toàn Thực phẩm đã có phân công người rà soát các sản phẩm đăng giới thiệu trên mạng, nếu quảng cáo sai sự thật sẽ làm việc với các DN. Từ đầu năm Cục đã xử phạt hơn 500 triệu đồng vi phạm về quảng cáo. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Long chỉ rõ, giữa việc quản lý, an toàn và gian lận là hai mặt của một vấn đề, cần có sự phối hợp và làm quyết liệt. 

Đừng “chơi khó” doanh nghiệp

Đó là mong muốn của bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco để DN dược hội nhập thành công. Nhận thức rõ hạn chế của cơ quan chức năng là lực lượng mỏng nên quản lý chưa chặt, còn trông chờ vào sự tự giác của DN, bà Vũ Thị Thuận cho rằng, để để tránh sự nhập nhằng trong kinh doanh thuốc và TPCN, DN dược cần phải hướng tới sự minh bạch, còn các cơ quan chức năng nên xây dựng thể chế luật pháp chặt chẽ hơn. 

Hiện nhiều đơn vị TPCN đã len lỏi vào các cửa hàng thuốc mà ngay cả cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát. Với khoản “hoa hồng” của DN sản xuất, phân phối TPCN cho các nhà thuốc lên tới mấy chục phần trăm khiến các công ty dược khó “chen chân”. Ông Trần Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Hoa Linh cảnh báo, hiện nay trên thị trường có một số những DN nhỏ làm ăn bôi bác, “con sâu làm rầu nồi canh”, gây ra sự nhiễu loạn thị trường và có thể sẽ làm thất bại nền sản xuất TPCN trong nước trong quá trình hội nhập.

Vì thế, ông Trần Ngọc Ánh mong muốn nhà nước kiến tạo hiện nay có tiêu chuẩn (TCVN) cho ngành TPCN. Nhà sản xuất phải công bố tiêu chuẩn và kiểm nghiệm về sản phẩm đó. Phải công bố cả định tính và định lượng đối với sản phẩm một cách công khai và minh bạch. Đại diện một số công ty dược đề nghị điều kiện cấp phép cho TPCN cũng cần phải chặt chẽ, cụ thể. 

Trong khi đó, PGS.TS Lê Văn Truyền cũng nhấn mạnh, “một vấn đề nữa rất quan trọng là trong điều kiện hội nhập như hiện nay, nếu Việt Nam cứ giữ những nội luật đặc thù thì sẽ mất “sân chơi” trong khu vực và trên thế giới”.

Thực tế, trong bối cảnh hội nhập TPP nhưng Bộ Y tế chưa có nhiều sự chuẩn bị cho các DN dược. Chưa có một đơn vị kiểm định nào được đưa ra khi Việt Nam hội nhập vào TPP, hiện nay phải nhờ đến đơn vị thứ 3 để kiểm định nên ông Trần Ngọc Ánh đề nghị các bộ, ngành phối hợp thế nào để các DN trong nước không bị thiệt thòi khi bước vào hội nhập.

TS Nguyễn Tất Đạt cho biết, trước tình hình và nhu cầu phát triển của ngành Dược và TPCN, nhà nước đã có nhiều cải cách hành chính để hỗ trợ ngành dược trong nước, nhất là tập trung phát triển công nghiệp dược liệu, đồng thời đẩy mạnh phát triển thuốc cổ truyền với những chính sách cụ thể như hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu đối với các bài thuốc gia truyền, giảm tải các thủ tục, giảm thời gian xét duyệt hồ sơ để sớm có thể đưa sản phẩm ra kinh doanh, phục vụ người tiêu dùng cũng như giảm các chi phí cho DN…

Để quản lý TPCN tránh việc làm nhiễu loạn thị trường như hiện nay, ông Nguyễn Đăng Bảy – Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Việt – Đức kiến nghị Cục An toàn thực phẩm tăng cường quản lý chất lượng, giá cả TPCN để không tạo lỗ hổng cho các DN làm ăn chộp giật thừa cơ hội, ồ ạt tung ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, gây khó khăn cho các DN làm ăn chân chính trong thời kỳ phát triển nóng TPCN như hiện nay.

Cục An toàn Thực phẩm đang xây dựng một lộ trình dần dần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN vào khuôn khổ, hướng tới “dòng chảy minh bạch” của thị trường để dần thích ứng với điều kiện hội nhập vì theo TS Nguyễn Hùng Long, “nếu chúng ta làm đột ngột là hại DN trong nước và tạo cơ hội cho DN nước ngoài”.

Bên cạnh đó, nhiều DN thuốc và TPCN cho rằng cần có một cơ quan trung gian chuyên môn để đưa ra các tiêu chí cho sản phẩm thuốc cũng như TPCN, các cơ quan quản lý chỉ kiểm tra giám sát. Song, PGS.TS Phạm Hưng Củng - Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội TPCN Việt Nam lưu ý, ngành TPCN là một ngành còn non trẻ, mới có khoảng 15-16 năm nay nên không thể dùng những biện pháp quá cứng rắn, mà cần tạo điều kiện cho “đứa trẻ” này từng bước tập đứng, đi và phát triển. Tuy nhiên, dù tạo điều kiện đến đâu thì TS Nguyễn Tất Đạt nhấn mạnh trên thị trường thuốc và TPCN cần phải đảm bảo sự minh bạch, từ cơ quan quản lý đến DN và người tiêu dùng.

Đọc thêm