Thị xã An Nhơn (Bình Định): Đê hư hỏng uy hiếp cuộc sống người dân

(PLO) - Sau các đợt lũ liên tiếp vào cuối năm 2016, nhiều tuyến đê sông ở An Nhơn bị hư hỏng, xuống cấp gây mất an toàn trong sản xuất cũng như đời sống của người dân.
Nhiều đoạn thân và chân đê cải tạo A, đê cải tạo B, thuộc tuyến đê đội 12, khu vực Vạn Thuận hư hỏng, xuống cấp
Nhiều đoạn thân và chân đê cải tạo A, đê cải tạo B, thuộc tuyến đê đội 12, khu vực Vạn Thuận hư hỏng, xuống cấp

Thấp thỏm vì đê yếu

Tuyến đê Đội 12, khu vực Vạn Thuận (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) nằm ở ngã 3 sông Thị Lựa và mương Cây Sung dài khoảng 1,1km gồm đê cải tạo A dài khoảng 650m và đê cải tạo B dài khoảng 450m. Đê xây dựng cách đây hơn 20 năm rộng khoảng 5m, cao khoảng 6m so với mặt sông Thị Lựa. 

Trước kia, tuyến đê được đắp bằng đất pha cát nên độ chắc chắn, an toàn không được đảm bảo. Trải qua thời gian và nhất là các đợt lũ liên tiếp vào cuối năm 2016 khiến tuyến đê xuống cấp, hư hỏng khá nặng: nhiều đoạn thân đê bị sạt lở, tạo độ dốc lớn, dễ bị cuốn trôi khi có mưa; một số đoạn chân đê bị nước lũ khét sâu, tạo thành hàm ếch rất dễ sạt lở.

Trong khi đó, tuyến đê bảo vệ gần 200 hộ dân và 30ha đất lúa, màu của đội 12. Đặc biệt, nhà của các hộ dân tại khu vực ven đê hầu hết nằm thấp hơn so với mặt đê nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa, lũ. Ông Nguyễn Văn Trọng, nhà ở gần đê lo lắng: “Mỗi năm vào mùa mưa, nước sông Thị Lựa chảy xiết khiến một phần đất ở thân và chân đê bị cuốn trôi. Riêng cuối năm 2016 vừa rồi, lũ chồng lũ khiến nhiều đoạn đê sạt lở nặng nên rất mất an toàn. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ là hàng trăm hộ dân ở đội 12 ở ven đê đều thấp thỏm lo lắng”.

Bên cạnh đó, tuyến đê Bờ Mọ (thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn) cũng hư hỏng, xuống cấp, luôn trong tình trạng “báo động đỏ” về mức độ an toàn. Tuyến đê dài khoảng 2km, thuộc nhánh rẽ sông Văn Lãng chảy qua địa phận thôn Trung Lý; chiều cao đê so với mặt sông khoảng 5 - 6m, bề rộng mặt đê bình quân khoảng 3m. Hiện nay, qua 20 năm nhiều đoạn đê bị sạt lở  rất nặng. Đặc biệt, đợt lũ lụt cuối năm 2016 tuyến đê bị tàn phá khá nghiêm trọng, nhiều đoạn thân và chân đê bị nước sông Văn Lãng “ăn” rỗng, khét sâu.

Ông Nguyễn Thuận Mậu, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong, cho biết: Đê Bờ Mọ che chắn, bảo vệ cho hơn 300 hộ dân và gần 150ha đất lúa ở 3 thôn Trung Lý, Liêm Định và Liêm Lợi. Hiện tuyến đê đã và đang bị hư hỏng, xuống cấp nặng; thân đê ngày một teo tóp nên luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, vỡ đê vào mùa mưa, lũ. 

Đầu tư xây dựng: Khó về kinh phí

Trước nỗi lo của người dân địa phương, UBND các xã có nhiều nỗ lực trong việc gia cố, khắc phục tạm các đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp. Thế nhưng, những cố gắng chỉ như “muối bỏ biển”, bởi cứ mỗi mùa mưa, những đoạn đê bị xuống cấp lại nhiều thêm.

Ông Dương Minh, cán bộ kế hoạch - giao thông - thủy lợi phường Nhơn Thành, cho biết: Hàng năm, UBND phường đều bố trí khoản kinh phí từ 15 - 20 triệu đồng để gia cố những đoạn đê xung yếu, xuống cấp nặng thuộc tuyến đê đội 12, khu vực Vạn Thuận. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi mức độ xuống cấp, hư hỏng của tuyến đê ngày càng nặng; còn việc khắc phục, gia cố do kinh phí có hạn nên cũng chỉ làm chắp vá. 

“Để đảm bảo an toàn, giúp người dân yên tâm sản xuất, sinh sống, tuyến đê đội 12 cần được đầu tư kinh phí, xây dựng kè bê tông kiên cố. UBND phường đã phối hợp với các ngành chức năng của thị xã An Nhơn khảo sát, dự trù kinh phí thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 8 - 9 tỉ đồng. Đây là mức kinh phí quá lớn, cần sự đầu tư từ tỉnh và Trung ương”, ông Minh cho biết thêm.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thuận Mậu, cho rằng: “Kinh phí địa phương không thể nào kham nổi việc đầu tư, xây dựng kiên cố hệ thống đê kè Bờ Mọ. Do vậy, dù biết tuyến đê hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống người dân, nhưng UBND xã đành chờ nguồn kinh phí từ cấp trên”.

Còn theo UBND TX An Nhơn, để đảm bảo yêu cầu bền vững và lâu dài, việc đầu tư xây dựng đê, kè kiên cố tại tuyến đê đội 12, khu vực Vạn Thuận và đê Bờ Mọ là rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, xây dựng công trình đê, kè kinh phí rất lớn, ngân sách thị xã không đảm bảo. Thị xã nhiều lần đề nghị hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh để đầu tư xây dựng; nhưng do tình hình khó khăn chung nên đến nay chưa có kinh phí thực hiện. 

Đọc thêm