Qua nhiều lần xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản; tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở” tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, tháng 7/2015, TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục đưa ra phán quyết buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 2,7 tỷ đồng. Mặc dù sau đó, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án trên, đồng thời khẳng định, việc Tòa án buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 2,7 tỷ đồng là không có căn cứ, không đảm bảo quyền lợi của bị đơn, tuy nhiên, kháng nghị trên của Viện kiểm sát lại không được Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh chấp nhận…. Và sau đó, trong một diễn biến mới liên quan đến việc giải quyết vụ án, bị đơn đã phát hiện Ngân hàng cung cấp chứng cứ sai sự thật cho cơ quan Tòa án và có đơn tố cáo việc tạo dựng chứng cứ giả.
Tiền mua nhà của ai?
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 272/2015/DSPT ngày 15/7/2015 về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản; tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở” giữa nguyên đơn là bà Lâm Thị Tinh Tú và bị đơn là ông Nguyễn Anh Tuấn, TAND tỉnh Tiền Giang đã quyết định hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ theo giấy mua bán ngày 15/4/2010 giữa bà Tú và ông Tuấn đối với căn nhà và đất tọa lạc tại số 15, Trương Định, khu phố 1, phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang do UBND thị xã Gò Công cấp ngày 10/6/2009 cho ông Tuấn đồng thời buộc ông Tuấn có nghĩa vụ hoàn trả lại cho bà Tú số tiền là 2,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau đó, ngày 14/6/2016 Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 65/2016/VC3/KNGĐT-DS đối với bản án trên. Liên quan đến khoản tiền 2,7 tỷ đồng, quyết định kháng nghị nêu rõ: Tại Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 năm 2015, bà Tú vẫn không chứng minh được đã cho ông Tuấn mượn 170 lượng vàng SJC, ông Tuấn không thừa nhận việc mượn vàng này.
Quá trình giải quyết vụ án, bà Tú có các lời khai mâu thuẫn về việc giao vàng cho ông Tuấn và thời gian giao vàng cũng không phù hợp với thời gian ông Tuấn trả tiền đặt cọc mua nhà, trả tiền mua nhà và phần tiền còn lại sau khi hoàn tất thủ tục mua bán nhà. Trong khi đó ông Tuấn đã chứng minh được nguồn tiền mua nhà số 15 Trương Định là rút từ các tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh thị xã Gò Công, Tiền Giang, cụ thể là rút vào các ngày 11/3/2009, ngày 27/4/2009 và ngày 4/9/2009.
Như vậy có đủ sơ sở xác định ông Tuấn mua nhà đất số 15 Trương Định bằng nguồn tiền của ông Tuấn gửi trong Ngân hàng. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của bà Tú cho ông Tuấn mượn 170 lượng vàng SJC, quy ra tiền là 2,7 tỷ đồng và giấy bán nhà viết tay ngày 15/4/2010, trong khi giấy bán nhà này Tòa án đã xác định vô hiệu để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Tuấn phải trả cho bà Tú số tiền 2,7 tỷ là không có căn cứ, không bảo đảm được quyền lợi của ông Tuấn. Tuy nhiên, sau đó, tại Quyết định giám đốc thẩm số 151/2016/DS-GĐT ngày 9/8/2016, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh lại không chấp nhận kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh?.
Về vụ việc này, trước đó, ngày 14/1/2013, Chánh án TAND tối cao cũng đã có Quyết định kháng nghị số 27/2013/KN-DS đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 397/2012/DSPT ngày 12/9/2012 của TAND tỉnh Tiền Giang. Quyết định kháng nghị của Chánh án TAND tối cao cũng khẳng định, việc Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ do ông Tuấn lập ngày 15/4/2010 (giấy bán nhà) vô hiệu là có căn cứ.
|
Quyết định kháng nghị của Chánh án TAND tối cao cũng khẳng định, việc Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ do ông Tuấn lập ngày 15/4/2010 (giấy bán nhà) vô hiệu là có căn cứ |
Tuy nhiên, việc giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm buộc ông Tuấn trả lại cho bà Tú số tiền 2,7 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại là chưa đủ căn cứ vững chắc. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cần làm rõ các vấn đề như: Có việc ông Tuấn rút tiền từ Ngân hàng để trả tiền mua nhà đất cho ông Khanh, bà Tuyết hay không? Thời điểm rút tiền từ Ngân hàng có phù hợp với thời điểm trả tiền mua nhà như lời khai của ông Tuấn không? Bà Tú khai việc cho ông Tuấn mượn 170 lượng vàng, quy ra bằng 2,7 tỷ đồng nhưng Tòa án xác định bà Tú cho ông Tuấn mượn 2,7 tỷ đồng là không chính xác và chưa có căn cứ. Bà Tú phải có nghĩa vụ chứng minh đã cho ông Tuấn mượn 170 lượng vàng, quy ra bằng 2,7 tỷ đồng như lời khai của bà. Nếu có thì nguồn tiền từ đâu bà Tú có? Bà Tú cho rằng có viết giấy nhận vàng nhưng vì sao bà Tú không giữ lại mà xé bỏ? Có yếu tố nào thể hiện sự ép buộc ông Tuấn khi lập giấy bán nhà ngày 15/4/2010 hay không? Việc Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xác minh làm rõ những vấn đề trên mà chỉ căn cứ vào hợp đồng do ông Tuấn lập ngày 15/4/2010 để cho rằng ông Tuấn có nhận của bà Tú 2,7 tỷ đồng nên xét xử buộc ông Tuấn phải trả cho bà Tú số tiền trên là chưa đủ cơ sở.
Cung cấp chứng cứ sai sự thật
Trong vụ án trên, có một vấn đề không thể không đặt câu hỏi nghi vấn đó là, tại bản án phúc thẩm số 272/2015/DSPT ngày 15/7/2015, trong khi TAND tỉnh Tiền Giang cho rằng, theo biên nhận tiền mua nhà ngày 27/4/2009, ông Tuấn thanh toán 2,5 tỷ đồng, nhưng theo bảng xác nhận của Ngân hàng thì trong tháng 4/2009, ông Tuấn có giao dịch rút tiền nhưng sau đó vẫn thực hiện gửi tiền.
Tuy nhiên, về nội dung này, sau đó ông Tuấn đã có đơn đề nghị Agribank thị xã Gò Công xác nhận số dư tiền gửi và ngày 8/12/2016, Giám đốc Agribank thị xã Gò Công đã có văn bản gửi ông Tuấn thừa nhận sai sót. Văn bản này nêu rõ: Vào ngày 29/8/2012 Agribank thị xã Gò Công xác nhận số dư tiền gửi của ông Tuấn tại Ngân hàng là sai, do lỗi đánh máy cột ngày mở và ngày rút, lẽ ra ngày 27/4/2009 là ngày rút tiền nhưng do sơ xuất đánh máy nhầm vào cột ngày gửi.
Theo ông Tuấn, chính sự “nhầm lẫn” tai hại này của Ngân hàng lại là cơ sở để Tòa án sử dụng bảng xác nhận có sai sót từ đó xác định giữa ông và bà Tú có giao dịch bán nhà đất và đã nhận đủ tiền. Về việc này, sau đó ông Tuấn đã có đơn gửi Agribank tỉnh Tiền Giang khiếu nại việc Ngân hàng xác nhận sai lệch giao dịch của ông đồng thời có đơn tố cáo về việc tạo dựng chứng cứ giả gửi Cơ quan Công an đề nghị xem xét, giải quyết vụ việc có dấu hiệu hình sự trong vụ án dân sự này.
|
Văn bản thừa nhận sai sót của Agribank thị xã Gò Công khi ghi nhầm ngày rút tiền thành ngày gửi tiền |
Tiếp đó, ngày 4/1/2017, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã có văn bản chuyển đơn của ông Tuấn đến Công an thị xã Gò Công để xem xét, giải quyết theo quy định đồng thời yêu cầu thông báo kết quả giải quyết cho Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và ông Tuấn biết.
Trao đổi với báo chí, ông Tuấn cho biết: “Tôi cho rằng những nhận định, đánh giá tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 65/2016/VC3/KNGĐT-DS ngày 14/6/2016 của VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh là hoàn toàn chính xác, phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án nhưng không hiểu sao lại không được xem xét (và chấp nhận - bỏ), trước đó năm 2012 bà Phạm Thị Tuyết Minh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhiều lần có đơn đề nghị Tòa án, cơ quan THADS hướng dẫn, xem xét việc thụ lý vụ kiện để xác định quyền sở hữu trong khối tài sản chung theo Điều 75 Luật THADS nhưng không được chấp nhận. Chính vì thế hiện tôi đang tiếp tục có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm số 151/2016/DS-GĐT ngày 9/8/2016 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đồng thời đề nghị xin tạm dừng việc thi hành án. Về phía Ngân hàng đã thừa nhận sai sót, đã xin lỗi tôi nhưng hậu quả thì tôi là người phải gánh chịu. Do đó, tôi cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ và xử lý nghiêm minh đối với hành vi này”.