Thơ thiền Việt Nam (Kỳ 3): Những bài sấm của Thiền sư Vạn Hạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN)- Trong bài kệ dạy để tự trước lúc viên tịch, Thiền sư Vạn Hạnh nhắc nhở rằng, việc tu hành cốt nhất nằm ở tu tâm. Nếu người tu tâm an ổn thì sẽ phát triển trí tuệ và khi có trí tuệ thì ta sẽ nhận ra chân lý trong đời tu hành...
Tượng Thiền sư Vạn Hạnh.
Tượng Thiền sư Vạn Hạnh.

Trong suốt cuộc đời tu hành của mình, Thiền sư Vạn Hạnh luôn tin rằng dù chúng ta tu hành theo cách gì thì cũng chỉ được an định thân, chỉ là sự yên ổn nhất thời. Bởi vậy, trong bài kệ dạy để tự trước lúc viên tịch, Thiền sư Vạn Hạnh nhắc nhở rằng, việc tu hành cốt nhất nằm ở tu tâm. Nếu người tu tâm an ổn thì sẽ phát triển trí tuệ và khi có trí tuệ thì ta sẽ nhận ra chân lý trong đời tu hành.

Những bài sấm

Thiền sư Vạn Hạnh là vị cao Tăng thời Lý, nối pháp thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đời thứ 7. Thiền sư họ Nguyễn, sinh vào khoảng năm 938, quê châu Cổ Pháp (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Gia đình có truyền thống thờ Phật. Từ thuở nhỏ ngài đã rất thông minh, học khắp tam giáo và khảo cứu nhiều kinh luận nhà Phật.

Năm 21 tuổi, ngài xuất gia cùng với Định Huệ Thiền sư, theo học với ngài Thiền ông tại chùa Kim Đài (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Từ góc nhìn của thiền nhân, thơ thiền cho chúng ta những trải nghiệm thú vị về tự nhiên, con người và xã hội cùng thế giới nội tâm của bậc giác ngộ.

Thơ thiền như một cầu nối giữa bậc giác ngộ, đưa tâm ta trở về hướng thiện, nhận thức thực tại để trân trọng và để biết sống có ý nghĩa hơn trong từng giây phút.

Thiền sư Vạn Hạnh thông cả ba tư tưởng: Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Tư tưởng chính của thiền sư là tu theo pháp “Tổng trì tam muội”. Ngài chuyên nghiên cứu sâu về tư tưởng bồ tát Long Thọ với tinh thần của “Trung Luận”.

Thiền sư Vạn Hạnh tư duy và luôn đặt ra các mối hoài nghi các vấn đề, rồi tư duy tìm cách khả thi nhất để giải quyết vấn đề đó. Pháp môn “Tổng trì tam ma địa” đỉnh cao là đạt đến Tam muội (Chánh định), đi đến đắc đạo.

Thiền sư Vạn Hạnh thừa kế dòng thiền Tỳ Ni đa Lưu Chi, dòng thiền này chủ yếu lấy tinh thần kinh “Tượng đầu tăng xá” làm yếu chỉ nghiên cứu và tu tập. Tinh thần trụ nới vô trụ. Tư tưởng này giống như tinh thần của Lục tổ Huệ Năng (638-713) trong kinh “Pháp Bảo Đàn”, với tinh thần “Vô niệm làm tâm, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc”.

Thiền sư Vạn Hạnh được coi là người có công lớn gây dựng nên vương triều nhà Lý, lập Lý Công Uẩn lên làm vua. Trong quá trình này, Thiều sư Vạn Hạnh luôn thường xuyến sử dụng các sấm ngữ truyền khẩu để tuyên truyền trong dân chúng. Để nhân dân biết rõ tình hình của triều đình và giới thiệu cho mọi người biết đến Lý Công Uẩn. Báo trước cho dân chúng nhà Lý lên ngôi thay nhà Lê. Có bài sấm như thế này:

“Gốc cây thăm thẳm

Bẹ lá xanh xanh

Hoa đào mộc rụng

Thập bát tự thành

Cung trấn trời hiện…”

Sách "Thiền Uyển tập anh" nói những loại sấm truyền và tiên tri ông dùng có rất nhiều thứ không kể hết được. Sách này kể ra một vài phương pháp đã dùng: Hồi Lê Ngọa Triều đang thi hành chính sách bạo ngược bị thiên hạ ghét bỏ, thì tại Cổ Pháp có một con chó trắng xuất hiện trên lưng nó có hai chữ “thiên tử” lấm tấm bằng lông đen. Thiên hạ bèn đồn rằng con chó là tượng trưng cho năm Tuất, và một bậc thiên tử sinh vào năm Tuất sẽ xuất hiện cũng vào năm Tuất (tức năm 1010).

Ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, thiền sư ở trong chùa Lục Tổ nhưng đã biết trước, nói với người bác và chú của Thái Tổ rằng: “Thiên tử đã băng, Lý thân vệ hiện đang ở nhà, tay chân họ Lý túc trực trong thành lên tới số ngàn. Trong trưa này, Thân vệ ắt được lên ngôi”. Bác và chú vua Thái Tổ thấy lo bèn sai người đi dò tin tức, mới thấy lời thiền sư nói đúng.

Tuy nhiên, từ tinh thần trụ nới vô trụ nên sau khi đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, Thiền sư Vạn Hạnh đã bỏ tất cả về ở ẩn tu hành, không tham gia chính trị. Tuy nhiên, những khi nhà vua cần, ông vẫn giúp vua tư vấn chính sự, nhưng không màng công danh, không hưởng bất cứ quyền lợi nào, đây là tinh thần mang đạo vào đời nhưng không bị đời làm ô nhiễm.

Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ "Truy tán Vạn Hạnh Thiền sư", trong đó nhà vua đã tặng cho thiền sư danh hiệu “Chống gậy thiền trấn giữ kinh đô”. Trong những tháng năm biến loạn đầu thế kỷ X, Thiền sư Vạn Hạnh ngồi một mình bên dòng Tiêu Tương, đã kiên tâm gác nỗi đau riêng để lo nỗi đau chung, cho muôn dân được bình yên, no ấm theo đúng giáo lý của đạo Phật - “Phật tại Tâm”.

“Thị đệ tử”

Ngày Rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (tức 30/6/1018), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư Vạn Hạnh gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Bài thơ này được ghi chép trong cuốn sách Thiền uyển tập anh (1337), với tên gọi là “Thị đệ tử” (Bảo đệ tử), nhan đề này do người đời sau đặt. Bài kệ có nội dung như sau:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhâm vận thịnh suy vô bổ uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”

Ngô Tất Tố dịch thơ:

“Thân như bóng chớp, có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”.

Bài kệ này nói lên sự vô thường của vạn vật và nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải nhận thức, biết đúng về vô thường để làm chủ vô thường...

Thượng tọa Thích Thanh Điện và TS. Phạm Thị Thanh Hương đã phân tích rõ ràng từng câu chữ trong bài kệ này.

Cụ thể, trong câu thơ đầu tiên “Thân như bóng chớp, có rồi không”, bằng biện pháp so sánh, câu thơ nói về thân mạng của mỗi kiếp người, có đấy rồi lại không, cuộc đời con người tính đến trăm năm nhưng nhìn lại chỉ như một giấc mộng, như ánh chớp lóe lên rồi trở về miền vô biên vắng lặng.

Tất cả các yếu tố khi đủ duyên thì hợp thành thân mạng của mỗi chúng ta, nhưng cái thân mạng của mỗi chúng ta cũng như tất cả các pháp hữu vi đều như mộng, như huyễn, như bọt, như bóng... có hợp rồi lại có tan. Vì vậy, người tu tâm phải thường xuyên quán chiếu để thấy nó chỉ là hư vọng chiêm bao để đừng chấp, đừng phiền não khổ đau...

“Cây cối xuân tươi, thu não nùng”, có nghĩa rằng, vạn vật khi gặp đúng thời vận thuận lợi có thể vinh hiển lẫy lừng... cũng như các loại cây khi mùa xuân đến thì đâm chồi nảy lộc tươi tốt. Nhưng trong mùa thu thì rụng lá trơ cành... đó là vô thường, là lẽ dĩ nhiên. Cũng chính từ đó, dòng đời của vạn vật không ngừng biến đổi và cuối cùng lại trở về vô thủy vô chung... trở về vô ngã... theo cái trục luân hồi sinh tử tưởng như không bao giờ dừng dứt.

Khi người tu hành biết rõ cuộc đời là vô thường, vô ngã như vậy rồi thì không còn lo sợ, tham đắm, tiếc nuối hay phiền não nữa...

Thiền sư Vạn Hạnh từng nói: “Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi” với ý dặn người tu hành sau khi giác ngộ được vô thường rồi thì tâm ta sẽ được bình yên. Điều này giúp người tu hành không vướng bận, không thương tiếc, sầu bi hay sợ hãi, không tức giận tham sĩ trước vô thường nữa.

“Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”, trong câu thơ cuối cũng bằng biện pháp so sánh, tác giả đã ví sự vô thường cái được, cái mất, cái thịnh suy đó cũng chỉ như giọt sương trên đầu ngọn cỏ buổi sớm. Cái thịnh suy đó cũng chỉ là mộng ảo, rất mong manh... nắng lên nó cũng sẽ tan trở về bản thể vô thường.

(Còn tiếp)

Đọc thêm