Thơ thiền Việt Nam (Kỳ 1): Tất cả các pháp đều từ tâm sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bài kệ cho đệ tử Cảm Thành, Thiền sư Vô Ngôn Thông mong muốn đệ tử giác ngộ vô thường và nhận biết cái chân thật để từ đó tùy căn cơ mà chú tâm vào việc truyền dạy phật pháp. Bài thơ cũng là lời răn dạy cho chúng ta cần giữ một tâm an, đừng để tâm bấn loạn trước muôn vạn biến thiên của cuộc đời.
Thơ thiền Việt Nam (Kỳ 1): Tất cả các pháp đều từ tâm sinh

LTS: Từ góc nhìn của thiền nhân, thơ thiền cho chúng ta những trải nghiệm thú vị về tự nhiên, con người và xã hội cùng thế giới nội tâm của bậc giác ngộ. Thơ thiền như một cầu nối giữa bậc giác ngộ, đưa tâm ta trở về hướng thiện, nhận thức thực tại để trân trọng và để biết sống có ý nghĩa hơn trong từng giây phút.

Thiền sư “không lời”

Thiền sư Vô Ngôn Thông (759 – 826) quê ở Quảng Châu (Trung Quốc), họ Trịnh, mộ đạo từ nhỏ, bỏ gia sản đến tu học ở chùa Song Lâm tại Vũ Châu. Ông là người có tính tình trầm lặng, ít nói hiểu nhiều, thông đạt sự lý. Vì thế, người đương thời gọi là Vô Ngôn Thông.

Vô ngôn là một khái niệm xuất phát từ nhà Phật. Hiểu theo nghĩa hẹp, vô ngôn là không lời, nghĩa là chối bỏ mọi hình thức tồn tại của ngôn ngữ, dù là lời nói hay chữ viết. Hiểu theo nghĩa rộng, vô ngôn loại bỏ luôn cả hành động, cử chỉ, suy nghĩ.

Vô ngôn, ấy là khi tâm tưởng người hành thiền đạt đến độ rỗng lặng, thuần nhất, là cửa ngõ để đạt đạo và đắc đạo. Thế nên Đức Phật từng nói: "Đạo của ta là ly ngôn tịch diệt". Sư tổ Đạt Ma thì bảo: "Giáo là lời, không phải là đạo. Đạo là không lời. Ngay nơi ngươi đạt được không lời, ngươi đạt đạo".

Sách Cao Tăng Truyền Đăng Lục (Tam Tập) của Thông Tuệ đời Tống gọi ông là Thông thiền sư.

Tượng của Thiền sư Vô Ngôn Thông

Tượng của Thiền sư Vô Ngôn Thông

Một hôm ông vừa làm lễ Phật xong, có vị thiền sư tới hỏi: “Ông vừa làm lễ gì đó?” Ông đáp: “Lễ Phật”. Vị thiền sư chỉ vào tượng Phật nói: “Phật là cái này đấy hả?” Ông không đáp. Đêm ấy, ông mặc y áo chỉnh tề, tìm đến phòng vị thiền giả làm lễ hỏi: “Hồi sáng ngài có hỏi một câu, tôi chưa biết được tôn ý thế nào”. Vị thiền giả nói: “Ông xuất gia tu được bao nhiêu mùa kết hạ rồi?” Ông đáp: “Mười mùa”. Vị thiền giả hỏi: “Vậy thì ông đã xuất gia chưa?” Câu hỏi làm ông hoang mang. Vị thiền giả nói: “Có vậy mà cũng không hiểu thì có tu đến một trăm mùa kế hạ cũng vô ích”.

Vị thiền giả liền đưa ông đi Giang Tây để tham yết thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Không may thiền sư Mã Tổ đã tịch rồi, ông liền đưa Vô Ngôn Thông đi tham yết thiền sư Bách Trượng Hoài Hải tức là đệ tử đắc pháp của Mã Tổ. Lúc bấy giờ có một vị tăng đến hỏi Bách Trượng: “Con đường giác ngộ cấp thời của Đại Thừa là gì?” Bách Trượng trả lời: “Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên rọi đến” (tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu). Nghe câu nói này Vô Ngôn Thông bỗng nhiên đại ngộ.

Quay mặt vào vách, vui trong thiền định

Tháng Chín mùa Thu năm Canh Tý, Đường Nguyên Hòa thứ 15 (năm 820), Thiền sư Vô Ngôn Thông đến chùa Kiến Sơ trên núi Tiên Du, ở hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, Giao Châu (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Chùa Kiến Sơ nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Khi tới đây, hằng ngày, ngoài việc cơm cháo, ngài dành toàn bộ thời gian chỉ ngồi quay mặt vào vách, không nói một lời, vui trong thiền định. Suốt mấy năm mà người ngoài không biết, chỉ có trụ trì chùa là sư Lập Đức, thấu rõ huyền cơ nên lòng càng tôn kính, hết lòng hầu hạ, âm thầm học hỏi nên hiểu rõ yếu chỉ của Thiền tông. Vì thế, Thiền sư Vô Ngôn Thông cho đổi pháp danh của Lập Đức thành Cảm Thành.

Thiền sư Cảm Thành họ Thị, quê ở Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Lúc đầu Sư xuất gia tại quê nhà, pháp danh là Lập Đức, lấy việc tụng kinh trì giới làm đầu. Phú hào trong làng mến mộ đức hạnh cao cả của Sư, tự nguyện cúng gia trạch làm chùa, thỉnh Sư đến trụ trì, nhưng Sư từ chối. Đêm ấy, Sư chiêm bao thấy Thần nhân đến bảo: “Nếu làm theo chí nguyện của nhà họ Nguyễn thì chỉ chừng vài năm sẽ gặp điều lành lớn!”, nên Sư Lập Đức nhận lời, lập thành chùa Kiến Sơ.

Chẳng bao lâu thì Thiền sư Vô Ngôn Thông đến. Sư biết Thiền sư Vô Ngôn Thông không phải là người thường, ngày đêm hầu hạ, không hề biếng trễ. Thiền sư Vô Ngôn Thông cảm động lòng thành khẩn của sư Lập Đức nên nhận ông làm đệ tử.

Ngày 12 tháng Giêng năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Lịch thứ hai, đời Nhà Đường (826), tại chùa Kiến Sơ, Thiền sư Vô Ngôn Thông không bệnh, tắm rửa, thay y phục, gọi Cảm Thành đến dạy:

“Ngày xưa, Tổ Nam Nhạc - Hoài Nhượng, khi sắp tịch có dạy rằng: Tất cả các pháp/ Đều từ tâm sinh/ Tâm không chỗ sinh/ Pháp không chỗ trụ/ Nếu đạt tâm địa/ Làm gì chẳng ngại/ Không gặp thiện căn/ Cẩn thận chớ nói!”.

Dạy xong, Sư chắp tay qua đời, thọ 68 tuổi

Trong cuốn sách “Thơ thiền Việt Nam luận giải” của Thượng tọa Thích Thanh Điện và TS. Phạm Thị Thanh Hương nhận định rằng, qua bài thơ này Thiền sư Vô Ngôn Thông muốn đệ tử giác ngộ vô thường (trong Phật giáo nghĩa là “không có gì tồn tại mãi mãi, mọi thứ đều ở trong trạng thái thay đổi liên tục”) và nhận biết cái chân thật để từ đó tùy căn cơ mà chú tâm vào việc truyền dạy Phật pháp.

“Tất cả các pháp, đều từ tâm sinh...”, câu thơ khẳng định khả năng tự chủ, tự kiểm soát của mỗi con người trước quy luật vận động của vạn vật.

Nếu mỗi chúng ta đều nhận ra được “tướng” đó chỉ là hư vọng do chính tâm ta khởi lên khiến ta ngày đêm tham án, sân si... đọa đày trong vui buồn, khổ não... thì khi “Tâm không chỗ sinh”, tâm ta sẽ không khởi lên một cái tên, một vọng niệm hay một ý nghĩa nào cho nó nữa thì nó làm sao có chỗ trong tâm ta “Pháp không chỗ trụ”.

Hiểu sao cho đúng về Thơ thiền?

Từ điển Nho, Phật, Đạo, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội (2001) ghi rằng, Thơ thiền ban đầu được gọi là những bài kệ hoặc là vấn đáp giữa sư phụ và môn đệ nhằm khai thông trí tuệ. Nhiều bài trang nghiêm như kinh tụng, nên Thơ thiền còn được gọi là Kệ, có nghĩa là ca ngợi, tụng tán, dùng để truyền tải giáo lý, kinh nghiệm, truyền tâm pháp cho đệ tử. Thơ thiền xuất phát từ trí giác ngộ, đồng thời được xuất phát từ những trải nghiệm thiền của Thiền nhân.

Do đó, “Nếu đạt đất lòng, làm gì chẳng ngại”, câu thơ muốn nhắc nhở rằng, khi ta làm chủ được tâm ta, khi tâm ta bình yên như đất lành thì trí tuệ nào mà không khai mở soi sáng cho ta. Khi tâm đã bình yên, trí đã sáng thì còn việc gì khiến ta phải lo ngại.

TT. Thích Thanh Điện và TS. Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, bài thơ muốn nhắc nhở chúng ta cần phải biết làm chủ tâm mình trước vạn vật biến đổi trùng trùng duyên khởi.

Đừng để tâm bất loạn, bất an! Là người tu luyện cần phải nhận biết cái vô thường và cái chân thật. Cái chân thật là cái bản lai chân tính của sự vật, hiện tượng đều là không nhưng do tâm khởi vọng niệm mà thành có. Cái tâm chân thật không phải là cái tâm suy nghĩ vọng niệm tung tung không đầu không cuối, cái tâm chân thật không phải là tham sân si... mà là tâm trong sáng, thanh tiện không vọng niệm.

Trí tuệ và những năng lực tiềm ẩn ở trong mỗi chúng ta chỉ được khai mở tốt nhất khi tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh còn được ví như đất lành. Có đất lành thì cây trái nào được trồng lên mà không tươi tốt.

Bài thơ toát lên một thông điệp rất rõ ràng về tinh thần giác ngộ vô thường. Cái biết, cái thấy đang diễn ra trước mắt mỗi chúng ta đều do tâm khởi vọng niệm mà có tên, có tướng. Nếu tâm không khởi vọng niệm thì không có gì vướng ngực trong tâm chúng ta được.

Đọc thêm