Đầu tháng 10/2015 tôi làm đơn khởi kiện, được Tòa án huyện thụ lý và cho nộp tiền tạm ứng án phí. Từ đó đến nay đã gần 02 năm, Toà án mới chỉ dừng lại ở các công việc như lấy lời khai của đương sự, thẩm định tại chỗ, hoà giải và công khai chứng cứ…, chưa biết đến khi nào thì được đưa ra xét xử. Vậy, Toà án có vi phạm về thời hạn xét xử vụ án là 04 tháng, kể từ khi thụ lý vụ án hay không?
Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Thời hạn tố tụng là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hành vi tố tụng do Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) quy định.
- Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau: Đối với các vụ án tranh chấp về dân sự; tranh chấp về hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 26 và Điều 28 của BLTTDS thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án tranh chấp về dân sự; tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
- Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Trong quá trình giải quyết vụ án, có thể có thời gian hoãn phiên toà, thời gian tạm ngừng phiên toà. Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa.
Trường hợp của anh, thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả gia hạn) không quá 06 tháng; thời hạn kể từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử (kể cả gia hạn) không quá 02 tháng; thời hạn hoãn phiên toà trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, Điều 227, khoản 2 Điều 229, khoản 2 Điều 230, khoản 2 Điều 231 và Điều 241 của BLTTDS không quá 01 tháng (nếu có); thời hạn tạm ngừng phiên toà (nếu có) không quá 01 tháng.
Trong quá trình giải quyết còn có thể có nhiều tình tiết, yếu tố khác làm cho vụ án kéo dài. Vậy nên, anh có thể đối chiếu với quy định trên, để có thể biết được thời hạn giải quyết vụ án của mình./.