Nông dân ấp Nguyễn Tòng (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) tận dụng không gian trống trong nhà phơi lúa sau thu hoạch. |
Theo nội dung hợp đồng: Công ty A An cam kết thu mua lúa tôm ST24/ST25 do các HTX Dân Phát, Hòa Phát, Ông Đuông (huyện Thới Bình) sản xuất theo diện tích, sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng và giá như đã thỏa thuận.
Xuyên suốt thời gian triển khai liên kết, Công ty vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ của Sở Ban ngành, UBND xã và HTX để nông dân tổ chức sản xuất.
Tuy nhiên, tại thời điểm thu hoạch, công tác triển khai đã gặp một số khó khăn: mưa nhiều ảnh hưởng đến thời điểm thu hoạch làm giảm chất lượng lúa như vượt độ ẩm, bốc nóng, lên mộng, không đạt tiêu chuẩn sản xuất gạo thành phẩm chất lượng cao; địa hình di chuyển khó khăn trong khi các điểm thu mua còn nhỏ lẻ, cách xa nhau…
Đa số các HTX đều mới thành lập. Do đó, công tác quản lý và điều phối, phối hợp đánh giá chất lượng lúa chưa chặt chẽ và phù hợp với quy định hợp đồng giữa HTX và doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến một số trường hợp thu mua và giao nhận lúa chậm trễ.
Vì vậy, Công ty cũng chưa nắm bắt kịp thời tình hình thực tế, đội ngũ cán bộ trực tiếp tại cánh đồng chưa linh hoạt trong thu mua dẫn đến tiến độ thu mua chậm trễ, gây tồn đọng lúa không mong muốn cho nông dân.
Lúa ST25 thu hoạch gặp mưa liên tục, bị ẩm, bén rễ non. |
Trước đó, chiều 30/11, đại diện Ban Lãnh đạo Tập đoàn Tân Long, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đã trực tiếp gặp gỡ ông Nguyễn Phi Thoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Biển Đông, ông Lê Tuấn An - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bằng và đại diện Ban Giám đốc các HTX tại trụ sở UBND xã Bạch Biển Đông. Tinh thần là lắng nghe thông tin một cách khách quan, nhìn nhận thực tế triển khai và những vấn đề còn tồn đọng.
“Thời gian tới đây, tiếp tục tổ chức thu mua theo hợp đồng với các HTX đối với hơn 400 ha lúa chưa thu hoạch từ ngày 1/12 đến cuối tháng 12/2022; đối với lượng lúa tồn đọng (từ ngày 25/11 - 30/11): Công ty điều phối phương tiện để thu mua dứt điểm dựa trên thống kê của HTX. Đồng thời, số lượng lúa Công ty chưa thu mua kịp thời và nông dân đã bán ra bên ngoài (từ ngày 25/11- 30/11): Công ty phối hợp với UBND xã và HTX thống kê mức độ thiệt hại để đưa ra phương án hỗ trợ thiệt hại cho nông dân”, Công ty cam kết.
Đại diện Tập đoàn Tân Long và Công ty A An cho biết thêm: “Tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm hướng đến mục tiêu lâu dài là xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và bền vững, đáp ứng nguồn lúa thu mua đầu vào chất lượng cao, tạo nên sản phẩm gạo sạch cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, chúng tôi luôn phải đảm bảo chất lượng tốt nhất ngay từ nguồn lúa thu mua đầu vào. Công ty rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự chia sẻ, đồng hành của nông dân, HTX và chính quyền địa phương để công tác triển khai liên kết diễn ra thành công”.
Ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 cùng với những thiệt hại do chưa được thu mua lúa như trên khiến nông dân các địa phương trên gặp nhiều khó khăn. Những động thái mới của Đại diện Tập đoàn Tân Long và Công ty A An "thông đường" cho tiêu thụ lúa tại huyện Thới Bình, hy vọng đời sống bà con sẽ được cải thiện và ngày càng đi lên.