Thông tin sản phẩm gây hiểu nhầm là thuốc phạt tới 40 triệu đồng

Theo Nghị định 93/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, từ ngày 15/12/2011 mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này là 40 triệu đồng…

Theo Nghị định 93/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, từ ngày 15/12/2011 mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này là 40 triệu đồng…

Siết chặt sản xuất, quảng cáo mỹ phẩm

Theo quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng; không còn nguyên vẹn bao bì, xuất xứ; quá hạn dùng hoặc quá thời hạn theo khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ phạt từ 10-20 triệu đồng .

Mức phạt trên cũng được áp dụng đối với hành vi giả mạo nhãn của sản phẩm khác đã được phép lưu hành; nhãn ghi sai lệch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; nhãn không ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; nhãn ghi tính năng, công dụng sai lệch với bản chất vốn có của sản phẩm; thông tin, quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc, làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Mức phạt cao nhất từ 30-40 triệu đồng sẽ áp dụng đối với 2 hành vi: Kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; không tiến hành công bố sản phẩm mỹ phẩm mà đã đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường đối với nhà sản xuất mỹ phẩm sản xuất trong nước hoặc nhà nhập khẩu mỹ phẩm sản xuất ở nước ngoài.

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường có hành vi kinh doanh mỹ phẩm có thành phần chất cấm trong mỹ phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép đối với các chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định hiện hành của pháp luật cũng bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Bán thuốc hết hạn, phạt đến 15 triệu đồng

Cũng theo Nghị định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sỹ sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền  từ 500 nghìn- 1 triệu đồng. Bán lẻ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng. Nếu bán buôn thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt các vi phạm về niêm yết giá thuốc. Theo đó, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ giá các mặt hàng thuốc đang bày bán hoặc niêm yết không đúng quy định; bán thuốc cao hơn giá niêm yết. Đối với một trong các hành vi: thay đổi bao bì hoặc nhãn thuốc mà không được Bộ Y tế đồng ý bằng văn bản; kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì hoặc nhãn thuốc như hồ sơ đã được phê duyệt thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Phạt từ 10-20 triệu đồng đối với cơ sở bán lẻ hoặc phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với cơ sở bán buôn thực hiện hành vi bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc không đúng đối tượng sử dụng hoặc cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc theo quy định

Đặc biệt, nếu thông tin quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm đó là thuốc sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

Với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu không được kiểm tra chất lượng, nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng để sản xuất thuốc cũng bị phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng…

Vân Thanh