Sau hơn 4 năm thi công, hầm đường bộ Hải Vân 2 chính thức được khánh thành. Đây là cột mốc quan trọng đối với ngành giao thông bởi hầm do người Việt làm chủ công nghệ từ việc đầu tư cho đến thiết kế, thi công, vận hành...
Hầm Hải Vân 2 nối TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế được khởi công tháng 4/2016, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn một nâng cấp đoạn tuyến Quốc lộ 1A qua đèo Hải Vân và nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 đã hoàn thành vào tháng 8/2017. Giai đoạn 2 thi công mở rộng ống hầm Hải Vân 2 (trên cơ sở hầm lánh nạn cũ) và đến tháng 9/2020 kết thúc thi công.
Hầm Hải Vân 2 nằm trong dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả, bao gồm: hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2 với tổng vốn đầu tư 26.154 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 5.048 tỷ đồng.
|
Theo dõi điều tiết giao thông hầm Hải Vân 2 |
Dự án Hầm đường bộ Hải Vân 2 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, có chiều dài phần hầm 6,2 km (2 làn xe rộng 7 m), đường dẫn phía Bắc 1,7 km và đường dẫn phía Nam 4 km, là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á
Môi trường thi công hầm Hải Vân 2 rất khắc nghiệt, bên cạnh điều kiện địa hình, địa chất thì yếu tố khách quan khác là phải đảm bảo cho hầm Hải Vân 1 (cách 30 mét) được vận hành liên tục, an toàn. Do đó, việc nổ mìn, đào hầm bị giới hạn trong khung giờ nhất định, mỗi ngày chỉ được nổ mìn 2 lần. Một điều rất đặc biệt, dưới bàn tay, khối óc của những kỹ sư người Việt, hầm Hải Vân 2 đã kết thúc thi công vào tháng 9/2020, vượt tiến độ 3 tháng.