Thủ tục tố tụng dân sự ngắn gọn, dân giảm chi phí “hầu” Tòa

(PLO) - Đó là nhận định chung tại Hội thảo tham vấn “Hoàn thiện Bộ luật Tố tụng Dân sự để cải thiện môi trường kinh doanh” do Ủy ban Tư pháp phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hòa Kỳ (USAID) tổ chức sáng qua (1/10).
Ảnh minh họa
Với Nghị quyết 19/NQ-CP, Chính phủ thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; giảm thời gian, chi phí giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp hợp đồng nói riêng, nhất là giảm thủ tục, qui trình và thời gian giải quyết các tranh chấp thương mại xuống tối đa 1/2 thời gian (tối đa 200 ngày đối với các tranh chấp qui mô nhỏ và giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Tòa án; 30 tháng giải quyết phá sản doanh nghiệp đến hết năm 2015 và 24 tháng đến hết năm 2016).
Nhưng ông Tưởng Duy Lượng – nguyên Phó Chánh án TANDTC phản ánh, thời gian kết thúc vụ án trong tố tụng dân sự (TTDS) thường dài hơn thời gian tính theo qui định trong Bộ luật TTDS do phần lớn các Tòa vẫn áp dụng phương thức quản lý theo sổ sách, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tố tụng.  
Thủ tục tống đạt gồm nhiều bước, qui định xác minh địa chỉ, chứng cứ do nguyên đơn trình, trong nhiều trường hợp đương sự (bị đơn) không hợp tác với Tòa dẫn đến tốn nhiều thời gian… nếu thực hiện “cứng nhắc” qui định của Bộ luật TTDS về thời hạn các thủ tục tố tụng.
Vì vậy, đa số các doanh nghiệp rất “ngại” tiến hành các thủ tục tố tụng vì sợ phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép” về thời gian, chi phí, công sức… trước khi có thể giải quyết xong tranh chấp.
Với xu thế chung, các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh, cần rút ngắn hơn nữa thủ tục tố tụng trong giải quyết các tranh chấp thương mại để tiết kiệm thời gian và chi phí cho đương sự cũng như Tòa án. Đó là đóng góp quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, để doanh nghiệp không “ngại” giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án.
Một giải pháp  quan trọng là “tự động hóa” qui trình tố tụng, nhất là các thủ tục nộp đơn khởi kiện, xử lý đơn và thanh toán án phí. Theo Ngân hàng Thế giới, cần có hệ thống quản lý vụ án điện tử để giúp quản lý thời gian giải quyết vụ án, các công đoạn, hành vi tố tụng mà thẩm phán cần thực hiện. Từ đó, Tòa án hoạt động hiệu quả và công khai hoạt động tố tụng ra bên ngoài, giúp người dân thuận tiện hơn khi làm việc với Tòa án. 
Cùng với đó, theo các luật sư (LS), cần phải hoàn thiện Bộ luật TTDS hướng đến việc xây dựng được thủ tục tố tụng rõ ràng, hợp lý, dễ thực hiện; công khai các tiêu chuẩn về thời hạn tố tụng, qui định rõ ràng về đình chỉ, tạm đình chỉ và tiếp tục giải quyết vụ án…
Phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án để đương sự lựa chọn. Hạn chế sự tham gia của Viện kiểm sát trong TTDS chỉ đối với các trường hợp đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công hoặc một trong các bên đương sự là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm thể chất, tâm thần vì “sự tham gia quá nhiều của VKS vào quá trình TTDS cũng làm kéo dài việc giải quyết các tranh chấp” – nhận định được nhiều LS đưa ra.
Trong quá trình TTDS, chỉ số hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong hệ thống tư pháp và hành pháp cũng có tính quyết định. Do vậy, LS.Lưu Tiến Dũng, Liên đoàn LS Việt Nam đề nghị loại bỏ các yếu tố “sức ép tổ chức” có thể ảnh hưởng đến “tính độc lập, khách quan của thẩm phán” như đưa tỷ lệ án bị sửa, hủy là một trong những chỉ tiêu thi đua, khen thưởng hoặc tiêu chuẩn tái bổ nhiệm thẩm phán... để tăng tính chuyên nghiệp và chuyên trách của thẩm phán trong TTDS.

Đọc thêm