Đất nước ta “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” (3 phần là núi, 4 phần là biển, 1 phần là đất liền) với trên 1 triệu km2 ngư trường, 20 triệu người sống ven biển, 17 vạn người sống ở các đảo. Vì thế, việc có cơ sở chuyên sâu về y học biển để phục vụ người dân là hết sức cần thiết. Năm 2001, Viện Y học biển được thành lập, là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế, đầu ngành về lĩnh vực y học biển, đảo.
Thời gian qua, Viện đã có nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các lao động, nhân dân vùng biển đảo như đề tài “Đặc điểm bệnh bướu cổ miền biển”, xây dựng “Tiêu chuẩn sức khỏe thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam”, “Nghiên cứu chế tạo thiết bị thử nghiệm khả năng chịu sóng và phương pháp tuyển chọn khả năng chịu sóng cho thuyền viên”…
Về cơ sở vật chất, một trong những đơn vị đặc thù nhất của Viện hiện nay là Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực và Chống độc biển, Trung tâm Y học dưới nước và Oxy cao áp, được trang bị thiết bị cao áp với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay (hợp tác với Australia), đủ sức đáp ứng yêu cầu cấp cứu các ca tai biến do lặn biển.
Thủ tướng quan sát một ca tiểu phẫu trực tiếp tại đảo Bạch Long Vĩ qua Trung tâm hỗ trợ y tế biển đảo từ xa. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Viện đã tiến hành khám cấp chứng chỉ sức khỏe và quản lý sức khỏe cho thuyền viên trung bình 6.000 lượt người/năm; tham gia khám, chữa bệnh cho lao động biển và nhân dân trong vùng, trung bình 100.000 người/năm.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá, trong thời gian ngắn, với vốn đầu tư không nhiều, Viện đã tạo lập một cơ sở vật chất khang trang, có quy mô. Đội ngũ cán bộ trưởng thành. Viện đã tập trung chủ yếu vào công tác nghiên cứu khoa học, đây là bước đi đúng hướng. Công tác đào tạo, cấp cứu, tư vấn cho thuyền viên, khám, chữa bệnh cho người dân đạt nhiều kết quả tích cực. Viện đã chủ động hợp tác quốc tế.
Viện Y học biển đang từng bước phát triển thành trung tâm chuyên sâu về y học biển của nước ta trên các phương diện nghiên cứu, đào tạo, điều trị và cũng là địa chỉ chăm sóc sức khỏe cho bà con ngư dân các tỉnh ven biển, Thủ tướng nhìn nhận.
Thủ tướng thăm phòng chữa bệnh bằng phương pháp oxy cao áp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Viện chưa có đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về y học biển. Cơ chế tiếp nhận, cấp cứu khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển đảo thuộc Viện chậm được hoàn thiện. Chưa đề xuất cơ chế, chính sách để phát huy chức năng nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành y học biển để tháo gỡ kịp thời hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là xây dựng Viện Y học biển thành trung tâm nghiên cứu chuyên sâu y học biển có tầm cỡ khu vực với các chức năng như nghiên cứu khoa học biển về y tế cho rõ nét; ứng dụng tiến bộ y học về biển, chữa trị bệnh lý đặc thù biển.
Những chức năng trên phải được thực hiện với quy mô lớn hơn, chuyên sâu hơn, nhiều hơn, đặc thù hơn. “Làm sao để châu Á, ASEAN, đặc biệt là 20 triệu dân ven biển và 17 vạn dân các đảo có bệnh về biển thì đều nghĩ ngay đến khám, chữa trị đặc thù ở đây mà nơi khác không có được”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng thăm hỏi và tặng quà cho bệnh nhân đang chữa bệnh tại bệnh viện. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu một số đề nghị để Viện nghiên cứu và báo cáo đề xuất. Đó là vấn đề trang bị tủ thuốc cho các tàu đánh bắt xa bờ. “Biển cả xa xôi, sóng to gió lớn, có tủ thuốc với cơ số thuốc phù hợp, với đặc thù vùng biển thì rất cần thiết”, Thủ tướng nói và đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia nghiên cứu vấn đề này.
Thủ tướng ủng hộ đề xuất thành lập bệnh viện y dược biển chuyên môn sâu thuộc Viện với quy mô phù hợp và cho rằng, trong bối cảnh đầu tư công khó khăn thì phải huy động xã hội hóa. Nhà nước sẽ tham gia hỗ trợ ban đầu một phần như đất đai, vốn. Bệnh viện này cũng là cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học, là một bệnh viện trường học. Bộ Y tế có thể đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học ở đây. Về lâu dài, Viện cần tiến tới tự chủ.
“Tầm nhìn của các đồng chí phải vươn ra khu vực chứ không chỉ ở Hải Phòng, ở Việt Nam”, Thủ tướng mong muốn và hoan nghênh Viện tăng cường hợp tác quốc tế.