Thừa Phát lại cần thiết cho xã hội và hoạt động tư pháp

(PLO) - Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh khẳng định: Chế định Thừa phát lại được thí điểm tại địa phương này đã đạt được những kết quả khả quan. Đây là mô hình phù hợp, cần thiết cho xã hội và hoạt động tư pháp, được người dân đồng tình ủng hộ...
Thừa phát lại đến lập vi bằng tại hiện trường
Thành công nhờ sự quyết liệt của Thành ủy
Từ kinh nghiệm trong quá trình triển khai giai đoạn 1 cho thấy sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Thành ủy và sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của chủ trương thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL). 
Do vậy, UBND TP.HCM đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục có văn bản chỉ đạo, quán triệt chủ trương, mục đích và trách nhiệm về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL tại thành phố. 
Cụ thể là, Thông tư số 24-TT/TU ngày 10/9/2013 về lãnh đạo tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL trên địa bàn. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy có những chỉ đạo rất rõ ràng và quyết liệt đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố để “triển khai tổ chức thực hiện thành công thí điểm TPL”. 
Trong điều kiện thí điểm, văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của TPL chưa thể đầy đủ và hoàn thiện, quy định pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thống nhất với chế định pháp luật về TPL. Điều này đã gây khó khăn cho TPL trong việc thực hiện công việc của mình. 
Chính vì vậy, ngày 11/6/2011, UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 22/2011/CT-UBND về tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động của TPL. Chỉ thị này ra đời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức triển khai thành công giai đoạn 1 và tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Tạo điều kiện cho Thừa phát lại làm việc
Được biết, ngoài việc giới thiệu quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng và tài liệu, Cục THADS TP.HCM cũng tổ chức hội nghị với sự tham gia của các ngân hàng thương mại để phổ biến về các công việc TPL được làm, đặc biệt là việc TPL được trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. 
Ngoài ra, tại trụ sở các Chi cục THADS đã bắt đầu triển khai việc bố trí bảng hướng dẫn, giới thiệu về văn phòng TPL, tạo điều kiện để văn phòng TPL tự giới thiệu về mình, trên cơ sở đó người dân có quyền lựa chọn đơn vị, tổ chức thi hành án… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thí điểm chế định.
Theo ông Tất Thành Cang, nhận thức được công tác phối hợp đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thí điểm chế định TPL, thực tiễn giai đoạn 1 đã thể hiện rất rõ nhận định này nên trong giai đoạn 2, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác này trên cả 3 mặt: “Chủ thể phối hợp, nội dung phối hợp và hình thức phối hợp”.
Những con số biết nói
Về kết quả hoạt động của các Văn phòng TPL trong giai đoạn 2 (khoảng hơn 2 năm, tính đến ngày 15/10/2014), số lượng việc thực hiện cũng như doanh thu của TPL tăng đáng kể. Cụ thể, đã thực hiện tống đạt 256.982 văn bản theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan THADS (so với 103.218 văn bản của giai đoạn 1, tăng 149%), với tổng chi phí tống đạt thu được là hơn 16,2 tỷ đồng (so với hơn 6,5 tỷ đồng của giai đoạn 1 tăng 147%). Các Văn phòng TPL đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp 17.884 vi bằng  với chi phí thu được là hơn 21,4 tỷ đồng. Các sự kiện, hành vi được ghi nhận trong vi bằng rất phong phú, đa dạng. 
Một số vi bằng đã được sử dụng làm chứng cứ trong các vụ khiếu kiện và đã góp phần quan trọng trong việc chứng minh cho yêu cầu của người khiếu kiện, đơn cử như việc vi bằng của TPL được đưa sang Trung Quốc làm chứng cứ, góp phần thành công trong vụ việc Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu. Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot Coffee” do Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Quảng Châu, Trung Quốc) đăng ký độc quyền tại nước này theo yêu cầu của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk);…
Về trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự: Trong giai đoạn 2, các Văn phòng TPL đã trực tiếp tổ chức thi hành án chấm dứt 52 việc với giá trị thi hành án về tiền là 59.429.563.943 đồng (so với 7.318.317.993 đồng của giai đoạn 1, tăng 712%) với chi phí thi hành án thu được là 1.325.635.302 đồng (so với 359.966.280 đồng của giai đoạn 1, tăng 268%).

Đọc thêm