Thừa Thiên Huế: Bảo tồn di sản Hán Nôm bằng công nghệ số hóa

(PLO) - Nhiều dòng họ ở các làng, xã của tỉnh TT- Huế đang lưu giữ nhiều di sản Hán Nôm, các sắc phong, chiếu chỉ, các văn bản quý hiếm có ngự bút của vua được xem như các “báu vật”.
Một trong những sắc phong của làng Kim Long bị thất lạc vừa được ngành văn hóa tỉnh mua và tặng lại cho làng lưu giữ
Một trong những sắc phong của làng Kim Long bị thất lạc vừa được ngành văn hóa tỉnh mua và tặng lại cho làng lưu giữ

Qua cuộc khảo sát của ngành chức năng mới đây, những tư liệu Hán Nôm hiện đang được lưu giữ tại các dòng họ, làng xã trên địa bàn tỉnh TT-Huế có niên đại từ thời Lê, thời Tây Sơn, thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn; chủ yếu là sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ, ngự bút của nhà vua cùng các văn bản quý hiếm về pháp luật, hành chính, đất đai, quân đội, quản lý dân số, bài thi Hương…

Theo kết quả cuộc khảo sát tại làng Nghĩa Lập, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh TT- Huế của đoàn chuyên gia TT- Huế đã phát hiện phần lớn trong số 22 sắc phong và 1 địa bạ thời Vua Gia Long của làng này bị hư hỏng, trong đó có nhiều sắc phong bị mục nát không thể phục hồi. 

Trong số hơn 220.000 trang tài liệu Hán Nôm với hơn 10.000 di vật mà đoàn chuyên gia của TT-Huế tiếp cận được, có rất nhiều tài liệu đã mục, hư hỏng và rách nát như gia phả ở nhà thờ họ Lê (Lê Văn Duyệt) ở Phú Mộng thuộc phường Kim Long, TP Huế; 10 sắc phong ở đình làng Lương Quán ở phường Thủy Biều, TP. Huế; một số văn bản Hán Nôm quý ở đình làng Dã Lê, phường Thủy Phương, đình làng Thanh Thủy Thượng, phường Thủy Dương…

Ông Phạm Xuân Phượng - cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh, chủ trì đề tài Sưu tầm, số hóa di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh TT-Huế cho biết: Số lượng tư liệu Hán Nôm mà đoàn nghiên cứu tiếp cận được chỉ là một phần còn khiêm tốn trong hệ thống tư liệu di sản Hán Nôm còn đang được lưu giữ tại Huế. Tuy nhiên, tỷ lệ hư hỏng rất lớn, mà tình trạng phổ biến là người dân đã cuộn, bọc kỹ các loại văn bản Hán Nôm và sắc phong trong bao ni-lon kín làm cho các văn bản này nhanh chóng bị gòn, ẩm mốc và hỏng…

Để bảo tồn những “báu vật” quý giá ấy, trong 10 năm qua (2009-2018), Thư viện Tổng hợp tỉnh TT-Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM đã phối hợp để thực hiện dự án sưu tầm, số hóa di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh TT-Huế. Hơn 229.200 trang tài liệu đã được số hóa, trong đó các nguồn tư liệu quý được số hóa đang lưu giữ ở 14 phủ đệ; 100 làng, đền thờ và nhà vườn; 492 họ tộc. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã số hóa trọn vẹn bộ luật Hoàng Việt Luật lệ thời Vua Gia Long; số hóa nhiều sách đồng ở phủ Hàm Thuận Công và nhà thờ họ Nguyễn. Số hóa sắc phong, chế phong có chất liệu bằng vải lụa ở phủ Kiến Hòa Quận Công, Phủ thờ họ Nguyễn Phúc Tộc…

Ngoài ra, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh còn tập huấn kỹ thuật bảo quản tài liệu cổ cho cán bộ của thư viện tuyến huyện, các bảo tàng và những cán bộ chuyên trách; hướng dẫn cho các tư gia, dòng họ và các làng xã ở TT-Huế cách bảo quản tài liệu và làm sạch nấm mốc trên tư liệu thuộc dạng giấy như: giấy long đằng, giấy dó, gấm, vải... 

Đọc thêm