Đường vào khu TĐC Cu Mực - Căn Hoa dài gần 2,5km, có điểm đầu giao với QL49 ở thôn A Khom, kết cấu bằng bê tông đá dày 18cm, rộng 3,5m, lề đất rộng 0,75m, tải trọng thiết kế 13 tấn.
Đây là tuyến đường do Cty CP Tư vấn Tedi thiết kế, Cty TNHH Xây dựng tổng hợp Hoàng Phong thi công; trong đó hạng mục đường với tổng mức đầu tư gần 3,4 tỉ đồng, chi phí xây lắp hơn 3,2 tỉ đồng; Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư Xây dựng khu vực huyện A Lưới làm chủ đầu tư.
Từ khi xây dựng xong vào năm 2013 và đưa vào sử dụng, tuyến đường xuống cấp nhanh chóng, đoạn kéo dài lên khu vực thủy điện sông Bồ, mặt đường bê tông nhựa lở lói, bong tróc toàn tuyến. Mới nhìn, cứ tưởng đường chỉ mới trải đá dăm, chưa thảm bê tông xi măng; nhưng thực tế lớp bê tông mặt đường đã bị trôi rửa, nhiều đoạn xuất hiện những hố sụp rất nguy hiểm. Người qua lại thường chỉ di chuyển 2 bên mép đường để bảo đảm an toàn.
Dựa vào hiện trạng hư hỏng của tuyến đường này, nhiều ý kiến nhận định có thể do sự kết dính giữa lớp bê tông xi măng trên bề mặt với nền đá dăm phía dưới có vấn đề, cộng thêm địa hình dốc, nên bị nước mưa bào mòn. Anh Plong A Luân (một người dân ở khu TĐC Cu Mực - Căn Hoa) cho biết, tuyến đường sau khi đưa vào sử dụng một thời gian đã xuất hiện hư hỏng. Đặc biệt, từ thời điểm Cty CP Thủy điện Sông Bồ thi công dự án thủy điện Sông Bồ và công trình cầu qua khu TĐC Cu Mực - Căn Hoa, nhiều xe tải trọng lớn ra vào. Thêm vào đó, xe chở keo tràm, cao su, quá tải trọng ra vào thường xuyên, dẫn đến đường xuống cấp nhanh chóng.
“Đường hư hỏng nhưng chưa biết khi nào mới được sửa chữa. Người dân ngày ngày di chuyển trên con đường này rất bất an. Con đường cũng chẳng có điện chiếu sáng, lại đồi dốc, cạnh sông Bồ, nên rất dễ xảy ra tai nạn”, anh Luân lo lắng.
Theo ông Lê Văn Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, con đường sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng rất nhiều điểm, chính quyền đã kiến nghị sửa chữa nhiều lần. Mới đây, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã bố trí 100 triệu đồng để sửa chữa tạm thời một số điểm hư hỏng nặng. Tuy nhiên, số tiền trên là ít ỏi so với tuyến đường xuống cấp nặng như hiện trạng, không khác “muối bỏ bể”.
Trước đó, năm 2019, từ nguồn vốn còn dôi dư khi xây dựng cầu Ưng Hong, UBND xã Hồng Hạ đã đề xuất gia cố hai bên lề đường bằng bê tông mỗi bên 0,3m. Còn mặt đường vẫn hư hỏng, toàn đá như cũ. Hiện nay, để lưu thông trên tuyến đường, các phương tiện đều đi lại trên phần lề đường 0,3m này.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục đề xuất UBND huyện lồng ghép các nguồn vốn sớm sửa chữa tuyến đường, khai thác vận hành đúng tải trọng thiết kế của tuyến đường.