Thừa Thiên Huế: Nhiều bất cập trong đền bù giải phóng mặt bằng

(PLO) - Mặc dù Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương giải phóng mặt bằng (GPMB) để thi công quốc lộ 1A đúng tiến độ, nhưng tại thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) vẫn còn hàng trăm hộ dân khiếu nại, không chịu bàn giao mặt bằng bởi công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập.
Các hộ dân xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) phản ánh với phóng viên
Các hộ dân xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) phản ánh với phóng viên
Đền bù quá thấp
Thời hạn bàn giao mặt bằng được tỉnh này lùi mốc nhiều lần mà mới nhất là ngày 19/9, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ấn định mốc cuối cùng là 30/9, các địa phương phải bàn giao xong mặt bằng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PLVN, tại hai huyện nói trên vẫn còn hơn 100 hộ dân khiếu nại, chưa bàn giao mặt bằng, nguyên nhân xuất phát từ việc Ban đền bù GPMB các địa phương chưa làm đúng trình tự, áp giá đền bù đất và tài sản mỗi nơi một kiểu, cũng như bất nhất trong việc bố trí tái định cư.
Ông Lê Sanh (trú thôn 1B xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) trình bày: Thửa đất ông đang ở, năm 1986 ông cùng với một số hộ dân khác là Ngô Vạn và Bùi Anh Cương đến khai hoang dựng nhà. Sau đó, ông mua của một hộ dân khác để làm lối đi và sống ổn định, không ai tranh chấp. Khi triển khai dự án mở rộng quốc lộ 1A, các hộ ông Ngô Vạn, Bùi Anh Cương  được đền bù, còn ông thì không. “Cùng đến khai hoang đất dựng nhà một lúc nhưng các hộ khác thì được đền bù còn tôi thì không, vì sao có chuyện bất hợp lý này” - ông Sanh bức xúc. 
Hộ ông Ngô Đắc Quang cùng trú xã Thủy Phù phản ánh: Gia đình ông bị ảnh hưởng hai ngôi nhà bởi dự án: Một ngôi  có diện tích 68,4m2 bị thu hồi toàn bộ; một ngôi nhà ở khác gắn liền với cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhưng UBND TX. Hương Thủy không bố trí cho ông đất tái định cư. Trong khi Khoản 2 Điều 14 Nghị định 69/2009/CP-NĐ ngày 13/8/2009 quy định: “Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng đất vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng; nếu không có đất để bồi thường thì mới bồi thường bằng tiền”, nhưng UBND TX viện dẫn Điều 35 Quyết định 18/2011/QĐUB ngày 01/6/2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để không bố trí đất cho gia đình tôi là bất hợp lý; đồng thời, tại Khoản 2 Điều 4 của Quyết định này cũng nói rõ các trường hợp được bố trí đất định cư”- ông Quang nói. Về áp giá đền bù tài sản, ông Quang cho rằng ông phải được đền bù theo đơn giá cửa hàng đang kinh doanh, nhưng Ban đền bù áp giá hạng mục nhà kho là quá thấp.
Hộ ông Ngô Đắc Nam (cùng trú xã Thủy Phù, Hương Thủy) cho rằng, thửa đất nhà ông đang sử dụng có nguồn gốc khai hoang từ trước năm 1975 (được nhiều hộ dân xác nhận); nhưng khi mở rộng đường, ông không được đền bù vì Ban đền bù cho rằng đất này là hành lang giao thông do Nhà nước quản lý(?). Ông Lê Kim Nam cho rằng, toàn bộ diện tích đất thu hồi của gia đình ông là 180m2 nhưng Ban đền bù chỉ đền hơn 74m2...
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận được những khiếu nại của ông Nam là có cơ sở bởi ngay cạnh mảnh đất nhà ông có ngôi mộ của mẹ ông được chôn cất năm 1955, chứng tỏ đất ông đang ở có nguồn gốc từ trước. Ngoài những hộ dân nói trên, nhiều hộ dân như ông Lê Kim Nam, Trần Văn Ánh... cũng khiếu nại cho rằng đền bù áp giá quá thấp. 
Gia đình ông Lê Kim Nam bị ảnh hưởng 180m2 nhưng chỉ được đền bù 74m2
 Gia đình ông Lê Kim Nam bị ảnh hưởng
180m2 nhưng chỉ được đền bù 74m2
Lại còn bất công
Chuyện người dân khiếu nại cũng xảy ra ở huyện Phú Lộc với hơn 30 hộ dân, như các ông Trương Công Cấp, Bùi Minh Tuấn, Lê Phất... (xã Lộc Tiến) được UBND huyện bố trí đất giãn dân năm 1986, nhưng khi mở rộng quốc lộ, UBND huyện này lại cho rằng đất đó do... Nhà nước quản lý. Đáng nói là năm 2000, khi nâng cấp quốc lộ 1A, các hộ dân vẫn được đền bù nhưng nay lại không?
Theo tìm hiểu, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tuy các hộ dân đều bị ảnh  hưởng cùng một dự án nhưng giá đền bù tại huyện Phú Lộc  cao hơn nhiều so với TX .Hương Thủy. Cụ thể, sân xi măng tại huyện Phú Lộc đền bù 190.800 đồng/m2, nhưng tại Hương Thủy chỉ đền bù 159.000 đồng. Hoặc quán lợp tôn, đòn tay gỗ, tường xây 12cm tại Phú Lộc đền bù 1.598.250 đồng thì tại Hương Thủy, quán xây kiên cố, đòn tay bằng thép có cửa sắt thì chỉ đền bù hơn 1,4 triệu đồng. Một thực tế mà đa số các hộ dân phản ánh là chưa có hộ dân nào nhận được quyết định thu hồi đất của chính quyền mà chỉ toàn nói miệng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Hữu Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư thị xã Hương Thủy cho biết sẽ về gặp gỡ, đối thoại với người dân để có hướng giải quyết cụ thể bởi Hội đồng đã làm đúng quy trình và áp giá theo quy định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tại sao có mức giá đền bù  mỗi nơi mỗi khác, ông Phúc vẫn chưa lý giải được vì sao huyện Phú Lộc lại có mức giá cao như vậy.
Thiết nghĩ, với việc khiếu nại của người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần chỉ đạo, rà soát lại cụ thể từng trường hợp để đền bù cho người dân đúng với quy định, đừng để mất công bằng khiến người dân không chịu bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng tới tiến độ của toàn dự án.

Đọc thêm