Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A: Vì sao người dân chưa bàn giao mặt bằng?

(PLO) - Trong khi dự án cấp bách nhận được sự quan tâm của Chính phủ và người dân thì đoạn qua  3 xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú, Vĩnh Long (huyện Vĩnh Linh) người dân vẫn chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ, chưa bàn giao mặt bằng. Vậy đâu là nguyên nhân?
Dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn đi qua  huyện Vĩnh Linh
Dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Vĩnh Linh
Dân “phàn nàn” giá thấp!
Trong đơn gửi PLVN, 35 hộ dân thuộc 3 xã trên phản ánh: Đất của các hộ dân hầu hết có nguồn gốc từ năm 1990 (có quyết định giao đất), một số hộ là đất ông cha để lại, sử dụng ổn định lâu dài và được cấp sổ đỏ. Đến năm 2010, không rõ vì sao UBND huyện Vĩnh Linh thu hồi sổ đỏ của họ mà không nói rõ lý do. Khi các hộ dân nhận sổ mới thì thấy sơ đồ thửa đất bị vẽ sai lệch so với bìa cũ. 
Đến năm 2013, khi có dự án mở rộng quốc lộ 1A, các hộ dân được thông báo một phần diện tích bị nằm ngoài sổ đỏ và chỉ được hỗ trợ theo giá đất vườn  là 588.000đồng/m2. Lúc này, người dân mới biết sổ mới được cấp năm 2010 đã vẽ thêm phần chỉ giới đất thuộc hành lang an toàn giao thông, nên một phần đất của các hộ bị “biến” thành đất ngoài sổ đỏ. 
Đồng thời, UBND huyện xác định toàn bộ diện tích đất bị thu hồi đều là đất vườn và tính theo giá đất nông nghiệp thuộc xã đồng bằng. Các hộ dân cho rằng việc xác định như vậy là không chính xác bởi diện tích các hộ bị thu hồi đều nằm ở vị trí ngay sát  quốc lộ, phía sau là khu công nghiệp. Ngoài ra, các hộ dân cũng phản ánh Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BTHT&TĐC) không gửi quyết định BTHT&TĐC để họ nắm được…
Một hộ dân - ông Dương Thanh Bình (xã Vinh Chấp) nói: “Vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, các hộ dân đều đồng tình và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình đền bù, tôi cũng như hàng chục hộ dân khác đều nhận thấy giá đền bù, hỗ trợ quá thấp...”. 
Nhiều hộ dân phàn nàn giá thấp chưa bàn giao mặt bằng
Nhiều hộ dân phàn nàn giá thấp chưa bàn giao mặt bằng 
Đã đúng quy định?
Tại Công văn 122 của BTHT&TĐC thừa nhận thiếu sót, tiếp thu ý kiến của người dân và sẽ thực hiện việc sao lục quyết định thu hồi đất, danh sách các hộ cho người bị thu hồi đất; đồng thời lý giải do tiến độ quá gấp, số lượng hộ bị ảnh hưởng lên tới 1.300 hộ nên việc sao lục quyết định thu hồi đất không kịp thời trước thời gian chi trả tiền bồi thường hỗ trợ…nhưng đã thông báo qua loa phát thanh của thôn...
Trao đổi với PLVN, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết: “Hiện còn khoảng trên 45 hộ chưa bàn giao mặt bằng, còn cơ bản là đã được trên 90%.  Việc đổi sổ là theo chủ trương của Nhà nước và huyện đã thông báo với các hộ dân. Nếu dự án dính vào đất ở thì sẽ đền bù theo giá đất ở, tuy nhiên đối với các hộ dân trên đều được hỗ trợ chứ không được đền bù. Tất cả đều được hỗ trợ theo giá đất vườn, ở đây là vùng nông thôn chứ không phải là thị trấn. Còn về giá đất thì theo quy định của tỉnh, cấp huyện chỉ có quyền được áp dụng giá của tỉnh. Đất bị ảnh hưởng của các hộ không được công nhận là đất ở vì nằm ngoài chỉ giới xây dựng tại Quyết định 06 của UBND tỉnh. Giá đất thì được quy định chung cho cả các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, giá trên là giá sau khi tính toán, áp dụng hỗ trợ cho các hộ. Trung ương giao cho đến tháng 10 này là phải xong, khi đã làm đúng tất cả mọi cái rồi mà bà con vẫn không nghe thì sẽ tiến hành bảo vệ thi công…”.
Ông Trần Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, Trưởng ban BTHT&TĐC cho biết:  “Quốc lộ 1A đi qua huyện dài khoảng 16,9km, hiện còn tầm 1,4km là chưa giải phóng mặt bằng. Giá đất thì theo quy định thôi, về mặt quản lý thì do UBND tỉnh ban hành, cơ sở tính giá là tại Mục 6.3 Quyết định số 37/2013/QĐUB. Tôi đã cùng anh em nhiều lần xuống tận các hộ dân để giải thích, tuy nhiên các hộ dân vẫn không hiểu. Trong bìa mới đều có ghi rõ hành lang, còn trong quyết định cũ khi cấp đất thì có ghi rõ là làm nhà cách đường 20m, tuy nhiên giới hạn đất ở thế nào thì không nói rõ. Đất các hộ hiện tại nếu đo thì đa số là đủ đất so với bìa…”.
Theo một số luật gia, căn cứ quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 92 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 thì đất trong hành lang an toàn công trình vẫn được xem xét cấp giấy chứng nhận nếu có giấy tờ theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50  Luật Đất đai năm 2003 hoặc không có giấy tờ theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 nhưng sử dụng đất từ trước khi có quy hoạch được duyệt, quy định phạm vi hành lang công trình đã được công bố, cắm mốc, không lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép… Như vậy, nếu đất các hộ dân được sử dụng ổn định lâu dài từ trước khi có quy định phạm vi hành lang an toàn giao thông, vẫn nằm trong sổ đỏ  thì được đền bù bình thường khi Nhà nước thu hồi. 
Về giá đất, theo Điều 5 Thông tư 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Điều 7  quy định về BTHT&TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị của UBND tỉnh Quảng Trị: “Trường hợp tại thời điểm có quyết định thu hồi mà giá này chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp huyện đề xuất, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh áp dụng cho từng dự án”.
Đề nghị Hội đồng BTHT&TĐC, các cơ quan chức năng Quảng Trị vào cuộc, xem xét lại những kiến nghị của người dân, tránh tình trạng khiếu nại kéo dài, để dự án sớm hoàn thành.
Theo Luật sư Cao Trí, Trưởng Văn phòng Luật sư Cao Trí: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai năm 2003 thì: “Đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn bao gồm đất xây dựng các hệ thống giao thông, thuỷ lợi, đê điều, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống dẫn điện, dẫn xăng dầu, dẫn khí, thông tin liên lạc và đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn các công trình này”.

Đọc thêm