Thuật ngữ mới “gây tiếng vang” trên mạng xã hội Nhật Bản

(PLVN) - Cùng sự lây lan virus corona, xã hội Nhật Bản đang phải đối mặt với xu hướng "ly hôn corona" khi các cặp vợ chồng phải ở cùng nhau cả ngày do thực hiện lệnh cách ly xã hội.
Tỷ lệ ly hôn ở Nhật là khoảng 35% và có xu hướng gia tăng do thời gian cách ly để chống dịch virus corona. Ảnh: BKP
Tỷ lệ ly hôn ở Nhật là khoảng 35% và có xu hướng gia tăng do thời gian cách ly để chống dịch virus corona. Ảnh: BKP

Thuật ngữ "ly hôn corona" đã được sử dụng rộng rãi trên các trang truyền thông xã hội Nhật Bản khi các cặp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn trong thời gian ở nhà do cách ly.

Đặc biệt, Twitter đang phục vụ như một diễn đàn cho những người vợ thất vọng trút giận về những người chồng vô tâm hoặc đòi hỏi, với nhiều tin nhắn với ẩn ý rằng "họ đang ở cuối cuộc đời".

Các báo cáo cho thấy, không chỉ ở Nhật mà ở nhiều quốc gia cũng có tình trạng các cặp vợ chồng phải đối mặt với những thách thức dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn trong thời gian cách ly xã hội, nhưng thuật ngữ "ly hôn corona" đã tạo ra tiếng vang đặc biệt ở Nhật Bản.

Vào những năm 1980, thuật ngữ "ly hôn Narita" đã được sử dụng ở Nhật Bản để mô tả tình trạng các cặp vợ chồng mới cưới trở lại sân bay Narita (Tokyo) sau tuần trăng mật và quyết định chia tay vì nhận ra họ không có gì chung.

Tỷ lệ ly hôn ở Nhật vào khoảng 35%. Con số đó thấp hơn 45% ở Mỹ, gần 41% ở Anh và chỉ hơn 30% ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ này của Nhật Bản được dự báo chắc chắn sẽ tăng trong tương lai gần. Như ở Trung Quốc đã có báo cáo về sự gia tăng đơn xin ly hôn sau thời gian thực hiện phong tỏa vào đầu năm nay.

Ông Chie Goto, một luật sư chuyên về các vụ ly hôn cho Văn phòng Luật sư Felice ở TP Nishinomiya, trong bài đăng trên blog cho biết, các cặp vợ chồng đang phải đối mặt với những tình huống hiếm khi trải qua trước đó, do những người chồng làm việc tại nhà hoặc mất việc, con cái ở nhà khi chính quyền khuyến nghị mọi người nên ở nhà càng nhiều càng tốt, ngay cả vào cuối tuần.

"Nhà đã trở thành nơi làm việc và đó là nguyên nhân chính của những vấn đề. Người dân cảm thấy căng thẳng khi môi trường của họ thay đổi và điều đó có thể dẫn đến một vết nứt lớn xuất hiện trong một cuộc hôn nhân" - ông Goto nhận định trong bài viết. 

Nhận thấy xu hướng "nhàm chán khi ở cùng nhau cả ngày" của các cặp vợ chồng dẫn đến "ly hôn corona", nhiều công ty của Nhật Bản đã triển khai dịch vụ cho thuê căn hộ tạm thời để giúp các cặp vợ chồng có chỗ "tách nhau ra" nhằm tránh rơi vào tình trạng "ly hôn corona".

Hãng Kasoku (có trụ sở tại Tokyo) đã quảng cáo về những căn phòng được trang bị đầy đủ như là "nơi trú ẩn tạm thời" để mọi người trốn thoát khỏi gia đình, dù để làm việc hay chỉ cần có không gian yên tĩnh.