Thúc đẩy phát triển thị trường cho quả thanh long và nước mắm Bình Thuận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận ngày 22/8 tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển thị trường và chỉ dẫn địa lý cho quả thanh long và sản phẩm nước mắm thương hiệu Bình Thuận.
Thúc đẩy phát triển thị trường cho quả thanh long và nước mắm Bình Thuận

Việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, tạo dựng được hình ảnh, uy tín và thương hiệu cho sản phẩm là một trong những hình thức hữu hiệu nhất là đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ông Nguyễn Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ nhấn mạnh: Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã xác định các sản phẩm đặc trưng của địa phương và tập trung xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, nhờ đó đã nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều gian nan.

Hiện nay, Nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit, hình” đã được bảo hộ tại 13 nước tại Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, cùng đó bảo hộ nhãn hiệu “Phan Thiết nước Mắm – Fishsauce & hình” tại 3 nước: Hoa Kỳ, Thái Lan và Campuchia. Tỉnh Bình Thuận cũng đã có 38 nhãn hiệu cộng đồng được bảo hộ sở hữu trí tuệ, gồm 30 nhãn hiệu tập thể và 8 nhãn hiệu chứng nhận, cùng 76 sản phẩm đạt sao OCOP. Đây là những thương hiệu được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng, thuận tiện cho phát triển thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bảo hộ thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm Bình Thuận.

Bảo hộ thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm Bình Thuận.

Việc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều bất cập. Phần lớn các doanh nghiệp tập trung cho sản xuất chưa xác định được thị trường xuất khẩu, quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật khi đi ra thị trường quốc tế. Chính vì vậy, xuất khẩu trực tiếp đối với các doanh nghiệp tại Bình Thuận hiện nay rất ít, phần lớn xuất sang một thị trường trung gian nên các đối tác của các nước xuất khẩu không yêu cầu phải sử dụng tem chỉ dẫn địa lý.

Tại Hội nghị, các các nội dung được thảo luận về ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm góp phần đổi mới phương thức trong sản xuất và thương mại bền vững, định hướng hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, phương pháp đưa nông sản lên kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, thúc đẩy doanh thu bán hàng; kinh nghiệm khai thác tài sản trí tuệ và phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp và vận dụng cho sản phẩm thanh long “Bình Thuận” và nước mắm “Phan Thiết”.

Hội nghị cũng là dịp để các chuyên gia, các nhà quản lý và các tổ chức, cá nhân trao đổi giải pháp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh phát triển thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Bình Thuận.

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh về lợi ích sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long và “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm, hướng tới gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của Bình Thuận.