Thực phẩm bẩn: Phạt nặng để làm gương

Chủ trương phạt nặng vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm để làm gương được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình

Chủ trương phạt nặng để “lập lại trật tự” trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) được nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) đồng tình nhưng cũng lo ngại quy định này liệu có khả thi.
Ngày làm việc thứ hai tuần kế tiếp, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật ATTP.

Ghi nhãn: khó cũng phải làm

Trình Quốc hội tại phiên họp sáng qua (1/6), Dự thảo mới nhất Luật ATTP quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm trước khi sản phẩm được lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

thực phẩm sạch là mong muốn của tất cả người dân
thực phẩm sạch là mong muốn của tất cả người dân

Đối với thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đã qua chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen, việc ghi nhãn còn phải tuân thủ một số quy định nghiêm ngặt khác.

ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) cho rằng, ngoài tác dụng cung cấp thông tin về sản phẩm thì việc ghi nhãn còn để truy tìm nguồn gốc sản phẩm. “Thời gian qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, ngoài việc hồi phục sức khỏe cho nạn nhân, ngành Y tế còn phải mất rất nhiều tiền, thời gian để truy tìm nguồn gốc. Nhưng nhiều trường hợp không thể tìm được vì là thực phẩm bày bán tràn lan ở chợ mà không có nguồn gốc xuất xứ” - sau khi phân tích, ĐB Hương đề nghị “tiến tới tất cả các sản phẩm đưa vào lưu thông đều phải ghi nhãn. Cái này khó nhưng không phải không làm được”

ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) chung cách nhìn nhận phải ghi nhãn nhưng đặt vấn đề: “việc ghi nhãn tiến hành trước khi lưu thông, nếu trong quá trình lưu thông, xảy ra sự cố gì thì sao?”. “ Nhãn sản phẩm phải ghi rõ toàn bộ các quá trình lưu thông từ tên người sản xuất, phương thức sản xuất từ ban đầu cho đến vận chuyển, chế biến, lưu thông, bày bán…” , ĐB này đề nghị.

Tuy nhiên, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc ghi nhãn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản, thực phẩm lớn trên thế giới; có định hướng phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ gen, việc sản xuất, chế biến thực phẩm biến đổi gen còn đang ở giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm.

Vì vậy, việc quy định về ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và yêu cầu của hội nhập quốc tế.

UBTVQH đồng ý phương án phải có quy định về ghi nhãn thực phẩm nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể việc ghi hạn sử dụng trên nhãn đối với thực phẩm; quy định cụ thể loại thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn, mức tỷ lệ thành phần thực phẩm có gen biến đổi phải ghi nhãn.

Phân định rõ dễ ”quy” trách nhiệm

Một vấn đề mà lâu nay gây nhiều tranh cãi là lĩnh vực ATTP hiện có quá nhiều Bộ, ngành cũng tham gia quản lý, nhưng khi xảy ra mất ATTP thì không biết quy trách nhiệm cho ai.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) mừng vì giao Bộ Y tế chủ trì nhưng ”lo ”ông” này vừa là nhạc trưởng vừa phải kéo violon và thổi kèn trum pet nữa thì không ổn”. ĐB Thuyết đồng tình Bộ Y tế thay mặt Chính phủ quản lý thống nhất về ATTP, nhưng trong phạm vi của Bộ, ngành, địa phương nào thì bộ ngành, địa phương đó phải quản lý, để xảy ra vụ việc gì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

ĐB Đinh Thị Ngoan (Ninh Bình) tán thành việc phân định trách nhiệm từng bộ, ngành nhưng đề nghị bổ sung thêm chức năng quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Khoa học và Công nghệ, vì hiện nay Bộ này đang thực hiện nhiệm vụ xét tặng giải thưởng chất lượng quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng về thực phẩm. Ngoài ra, Bộ này còn có hệ thống Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Cục quản lý chất lượng, hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng đủ năng lực kể cả lực lượng thanh tra chuyên ngành.

”Dự thảo chưa có quy định về trách nhiệm các tổ chức đoàn thể trong công tác ATTP trong khi thực tế ở nhiều nơi, họ làm khá tốt” , ĐB H’ Luộc Ntơr (Đắc Lắk) lên tiếng cần bổ sung thêm quy định này.
Cùng với quy định về ghi nhãn, trách nhiệm của bộ ngành, địa phương, các vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là vấn đề về thanh tra chuyên ngành, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…đặc biệt liên quan đến quy định xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Một số ý kiến cho rằng việc phạt nặng là cần thiết song phải quy định như thế nào cho phù hợp để đảm bảo tính khả thi.

Thu Hằng

Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này được căn cứ vào hành vi vi phạm và được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá bảy lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ, tiền do vi phạm mà có sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
(Khoản 3 Điều 6 Dự thảo Luật ATTP).

Đọc thêm