Thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần nâng cao hiệu quả thực thi từ phía người tiêu dùng

(PLVN) - Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng lo ngại trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, câu hỏi “Làm thế nào để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?” đang trở nên ngày càng cấp thiết.
Lực lượng công an kiểm tra số thuốc giả thuộc đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn. (Nguồn: Công an Thanh Hóa)

“Ma trận” hàng giả tràn lan thị trường

Thời gian qua, sữa giả trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội sau khi Bộ Công an thông tin về vụ án sản xuất, buôn bán sữa giả tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Điều đáng nói, cơ quan chức năng xác định đường dây do các bị can điều hành đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai với số tiền thu lợi gần 500 tỷ đồng.

Là mặt hàng đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em, người cao tuổi và người bệnh - những người cần được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe với tiêu chuẩn cao hơn bình thường. Thế nhưng, cơ quan công an xác định 12 loại sữa giả được nhà sản xuất gọi là thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực chất “cùng chung một nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất”. Đồng thời, chỉ tiêu chất lượng một số chất chính đạt dưới 70% so với công bố.

Đáng nói, vào thời điểm câu chuyện bức xúc về sữa giả chưa kịp lắng xuống, Công an tỉnh Thanh Hóa lại triệt phá được đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, hoạt động từ năm 2021, thu lợi khoảng 200 tỷ đồng. Có 14 bị can bị khởi tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. Công an thu giữ gần 10 tấn tang vật, gồm 21 loại thuốc tân dược, đông dược giả, 39.323 hộp thuốc, 18.000 vỏ hộp, 142kg nguyên liệu, cùng máy móc sản xuất.

Theo Bộ Y tế, trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo các loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. 16 sản phẩm còn lại không có tên trong danh mục các loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành, đồng nghĩa với việc đây là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được phép lưu hành tại Việt Nam.

Nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ của mình còn hạn chế

Sau hàng loạt vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm bị bóc trần, người tiêu dùng cả nước không khỏi hoang mang, lo lắng. Niềm tin của họ vào thị trường, vào những sản phẩm vốn gắn liền trực tiếp tới sức khỏe con người đang dần bị xói mòn. Trong bối cảnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là công cụ pháp lý hữu hiệu, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ người tiêu dùng một cách toàn diện và chủ động hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, kể từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trở nên toàn diện, chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đồng thời thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, trước nhiều quan điểm cho rằng còn khoảng cách lớn giữa quy định pháp luật và thực tiễn thực thi khiến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn gặp nhiều trở ngại, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng đánh giá đây là quan điểm hoàn toàn có cơ sở. Dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã thiết lập hệ thống quy định khá toàn diện, nhưng khoảng cách lớn giữa quy định pháp lý và thực tiễn thực thi đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của luật.

Những bất cập như cơ chế hậu kiểm lỏng lẻo, công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa hiệu quả, sự tồn tại phổ biến của doanh nghiệp “ma” và thiếu phối hợp liên ngành đã tạo điều kiện cho nhiều hành vi vi phạm qua mặt cơ quan chức năng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Như vậy, nguyên nhân chính không nằm ở sự thiếu hụt quy định mà ở năng lực thực thi yếu và hệ thống quản lý chưa đồng bộ. Do đó, để luật thực sự phát huy vai trò bảo vệ người tiêu dùng, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng cần khẩn trương nâng cao chất lượng hậu kiểm, ứng dụng công nghệ, siết chặt quản lý doanh nghiệp và thiết lập cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu hiệu quả giữa các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cũng chỉ ra một vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đó là nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ của mình còn hạn chế. Khi không biết rõ quyền của mình, người tiêu dùng sẽ khó khăn trong việc phát hiện và yêu cầu bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm. Điều này khiến các hành vi vi phạm không được xử lý kịp thời và hiệu quả bảo vệ bị giảm sút.

Chưa kể, tâm lý sợ phiền hà dẫn đến cam chịu khiến nhiều người tiêu dùng không tố giác hành vi gian lận, dẫn đến vi phạm vẫn tiếp diễn mà không bị xử lý. Quan trọng hơn, khi người tiêu dùng không hợp tác trong việc phản ánh vi phạm, các cơ quan chức năng và tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý. “Vì vậy, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay”, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh.

Đọc thêm