Thuê “thái tử” đổi hợp đồng, JPMorgan trả giá đắt

(PLO) - Tờ Financial Times cho hay, ngân hàng của Mỹ JPMorgan đã phải nộp phạt 264 triệu USD do thuê “các thái tử” Trung Quốc vào làm việc để đổi lấy những hợp đồng kinh doanh. 
Thuê “thái tử” đổi hợp đồng, JPMorgan trả giá đắt

Năm 2013, JP Morgan bị Ủy ban Chứng khoán - Hối đoái Mỹ (SEC) mở cuộc điều tra về việc vi phạm Luật Chống tham nhũng, hối lộ nước ngoài của Mỹ (FCPA). Luật FCPA này thông qua năm 1977 đã cấm các công ty hối lộ quan chức nước ngoài để đổi lấy hợp đồng kinh doanh. 

JPMorgan được biết là sẽ phải trả 130 triệu USD cho SEC, 72 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ, và 61,9 triệu USD cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để giải quyết cáo buộc trên. Ngân hàng cũng đạt được thỏa thuận 3 năm “không khởi kiện” với Bộ Tư pháp để tránh kiện tụng phạm tội, đổi lại là JPMorgan sẽ thực hiện chương trình tăng cường chấp hành và tiếp tục hợp tác với các điều tra viên của chính phủ. 

Bình phong “thái tử”

Andrew Ceresney, Giám đốc bộ phận Tăng cường hiệu lực thuộc SEC cho biết JPMorgan đã tham gia vào một đề án hối lộ có hệ thống bằng việc tuyển dụng con cái của các quan chức chính phủ và những người được những nhân vật quan trọng giới thiệu dù không đủ năng lực vẫn được nhận vào làm việc tại ngân hàng.

Nhân viên JPMorgan cho biết chương trình thuê người diện này vào làm có thể là vi phạm Luật FCPA nhưng do tiền thưởng kinh doanh và những hợp đồng kinh doanh quá béo bở nên họ vẫn làm. Đầu năm 2006, bất chấp việc cấm tuyển dụng những trường hợp như vậy theo quy định của Bộ Tư pháp, nhưng “sáng kiến những thái tử” của ngân hàng vẫn được tiến hành. 

Thậm chí các ông chủ JPMorgan còn tạo ra những bảng tính theo dõi việc tuyển dụng họ hàng thân tín của các quan chức Trung Quốc, những người có quan hệ gần gũi với hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Các giám đốc điều hành JPMorgan thậm chí công khai thảo luận về những lợi nhuận tài chính sẽ thu được từ việc nhận những nhân vật này vào làm việc tại ngân hàng.

Khi lần đầu tiên phát hiện ra sự việc này cách đây 3 năm, việc điều tra cũng được thông báo đến toàn bộ cộng đồng giới ngân hàng trên toàn thế giới bởi việc thuê nhận những người có mối quan hệ gần gũi với quan chức chính phủ vào làm các công việc tài chính là rất phổ biến tại Trung Quốc, nơi có xu hướng coi trọng mối quan hệ cá nhân trong làm ăn kinh doanh. 

Các “thái tử” là từ mô tả con cái của các quan chức cấp cao Trung Quốc, nhưng từ nay còn được mở rộng đến con cái của những người thuộc giới tinh hoa Trung Quốc. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Leslie Caldwell cho rằng cái gọi là “Chương trình các con trai và con gái” thực chất là một hình thức hối lộ, việc đem cơ hội làm việc cho người không đủ năng lực để đổi lấy ảnh hưởng từ các quan chức chính phủ đơn giản là hành vi tham nhũng.

Hầu hết những người được nhận vào làm việc thông qua chương trình này đều thiếu học vấn và kinh nghiệm so với những người mới được tuyển dụng theo cách thông thường. Con trai của một quan chức cao cấp của Trung Quốc đã được nhận vào làm việc tại JPMorgan tại New York trong 10 tháng cho dù người này bị nhận xét là “vô trách nhiệm, không đáng tin cậy”. 

Theo biên bản ghi nhận của Bộ Tư pháp, các quan chức chính phủ Trung Quốc không hề ngần ngại khi đề nghị JPMorgan ưu ái. Năm 2009, một quan chức của một công ty năng lượng quốc doanh Trung Quốc, công ty đang cân nhắc chọn ngân hàng đầu tư để tham gia xử lý việc đưa cổ phiếu của công ty lần đầu ra công chúng, đã đề nghị rằng ngân hàng sẽ có được vai trò lớn hơn nếu như họ nhận cháu người này vào làm việc.

Quan chức này đã viết nhiều thư, gọi điện nhiều lần và gửi yêu cầu qua tin nhắn đến giám đốc điều hành JPMorgan ép họ giúp đỡ. Sau khi phỏng vấn ứng cử này, người thiếu những kỹ năng cần thiết cũng như mối quan tâm đến công việc, những người có thẩm quyền tại JPMorgan ở New York đã kết luận họ không thể nhận người này vào làm việc. 

Trả giá đắt

Tháng 2/2010, các giám đốc điều hành của ngân hàng tại trụ sở ở Hong Kong đã phải “tạo ra một vị trí việc làm cho một ứng viên được giới thiệu đến làm việc tại ngân hàng ở New York bằng tiền lấy từ nguồn của chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương. Vị trí việc làm này có thời hạn 1 năm, và sau đó vài tháng JPMorgan đã được chọn để tham gia xử lý IPO, thương vụ này đem về cho ngân hàng khoản lợi nhuận là 23,8 triệu USD.

Theo lời của một người phát ngôn của JPMorgan tại Hong Kong, ngân hàng rất hài lòng vì sự hợp tác của họ được ghi nhận trong việc tham gia giải quyết các vụ việc điều tra này. Người phát ngôn cũng cho biết việc làm như vậy là không thể chấp nhận được và họ đã dừng chương trình tuyển dụng kiểu này từ năm 2013 và có những biện pháp xử lý những cá nhân tham gia vào các vụ việc nói trên. 

Theo ghi nhận của Bộ Tư pháp, ngân hàng đã sa thải 6 nhân viên có hành vi sai trái hoặc những người đã không phát hiện được vấn đề sai trái này, và thi hành kỷ luật 23 người khác do có liên quan đến chương trình tuyển dụng “thái tử” nói trên.

JPMorgan cũng áp dụng mức phạt là 18,3 triệu USD đối với những nhân viên hoặc cựu nhân viên có liên quan đến vụ việc. Một số quan chức cấp cao tại JPMorgan như Fang Fang, người đứng đầu bộ phận đầu tư của ngân hàng tại Trung Quốc đã từ chức hồi đầu năm 2014 và phó chủ tịch bộ phận đầu tư châu Á của ngân hàng Todd Marin cũng từ chức hồi năm 2015. 

Việc điều tra JPMorgan sau đã mở rộng sang các ngân hàng như HSBC. Một số ngân hàng khác như Goldman Sachs, Deutsche Bank, Citigroup và Morgan Stanley đều bị các cơ quan chức năng giám sát hỏi đến, nhưng chưa đến mức độ điều tra như trường hợp HSBC. Do kết quả các cuộc điều tra của SEC, nhiều ngân hàng cũng từ bỏ một số thương vụ như public float (cổ phiếu do các nhà đầu tư trong công chúng nắm giữ) của Tianhe Chemical và Everbright Bank do có liên quan đến con của chủ tịch hai tập đoàn nói trên...

Đọc thêm