Thương nhớ cửa ô xưa của kinh thành Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cửa ô - một kiến trúc rất nhỏ bé trong tổng thể các công trình kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhưng lại lưu giữ trong mình một câu chuyện thật dài của Hà Nội. Đó là lịch sử, là chính trị, là văn hóa, là đời sống xã hội. Cửa ô gần gũi, thân thương trong kí ức bao người, nhắc ta về quá khứ vàng son của cha ông, để ta thêm trân trọng hiện tại và dựng xây tương lai.

Sự đổi thay của cửa ô Hà Nội

Hà Nội là một thành phố có lịch sử lâu đời và giàu truyền thống văn hóa. Một trong những nét đặc trưng của Hà Nội là 5 cửa ô, là những cổng thành xưa của kinh thành Thăng Long. Thăng Long xưa là một đô thị lớn, là kinh đô của cả nước dưới nhiều triều đại khác nhau. Hệ thống thành quách, các công trình đền đài, lăng tẩm rất nhiều. Trong tư liệu cổ về Hà Nội từng viết: “Xung quanh bao bọc kín thay, đất cao thành luỹ, cửa xây nên tường...”.

Cửa ô chính là cửa xẻ qua tường thành đất ngoài cùng bao bọc lấy kinh thành Thăng Long. Thời đó, mỗi cửa ô đều được xây dựng hình vuông, nên người dân gọi là các cửa ô. Trước đây, cửa ô là nơi được canh phòng cẩn mật, ngày mở, đêm đóng và có rào, có lính tuần đi canh phòng nhằm ngăn ngừa đạo chích, báo động hỏa hoạn. Theo sách “Bắc thành dư địa chí” soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô, nhưng không liệt kê tên đầy đủ. Vào năm 1831, khi Vua Minh Mạng cho thành lập “Tỉnh Hà Nội”, thì khu vực “tỉnh thành” (tức “nội thành”) đã được vẽ bản đồ ngay. Ở tấm bản đồ do hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng khi ấy, ghi rõ tên (chữ Hán) và vị trí của 16 cửa ô là Yên Hoa, Yên Tĩnh, Thạch Khối, Phúc Lâm, Đông Hà, Trừng Thanh, Mỹ Lộc, Đông Yên, Tây Luông, Nhân Hoà, Thịnh Lãng, Yên Ninh, Kim Hoa, Thịnh Quang, Thanh Bảo, Thuỵ Chương. Thế nhưng, bản đồ “Tỉnh, thành Hà Nội” vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô, không còn ô Nhân Hòa.

Cửa ô Hà Nội hôm nay là một trong 3 chủ đề tại trưng bày “Hà Nội và những cửa ô”. (Ảnh: Bảo Châu)

Cửa ô Hà Nội hôm nay là một trong 3 chủ đề tại trưng bày “Hà Nội và những cửa ô”. (Ảnh: Bảo Châu)

Đến đầu thế kỷ 20 chỉ còn thấy nhắc đến tên của 5 cửa ô là: ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, ô Đống Mác và ô Quan Chưởng. Dưới sự tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các cửa ô Hà Nội đã dần bị phá hủy, cửa ô Quan Chưởng là chứng tích còn lại duy nhất đến ngày nay, lưu dấu về sự tồn tại và hình dáng của các cửa ô của Thăng Long - Hà Nội xưa.

200 tài liệu, hình ảnh kể chuyện về những cửa ô

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những cửa ô” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Thông qua các nguồn sử liệu, các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các tài liệu viết bằng ngôn ngữ Hán Nôm và tiếng Pháp được lưu trữ tại Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội và đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố Hà Nội, trưng bày tái hiện lịch sử các cửa ô của Hà Nội; cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các cửa ô và sự biến mất của hầu hết các cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, trưng bày giới thiệu về quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay.

Trưng bày “Hà Nội và những cửa ô” giới thiệu 200 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 03 chủ đề: “Cửa ô xưa”: Giới thiệu về lịch sử hình thành các cửa ô của Thăng Long - Hà Nội; kiến trúc; vai trò, công năng của các cửa ô Hà Nội; sự biến đổi về tên gọi và số lượng các cửa ô theo từng giai đoạn.

Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, cửa ô là một nét đặc trưng, riêng có của Hà Nội. Đây vốn là các cửa ngõ để ra vào Kinh thành Thăng Long xưa, cũng là điểm giới hạn của đô thị tiếp giáp với các vùng phụ cận. Vì vậy, phần lớn các cửa ô đều hướng ra sông để kết nối giao thông buôn bán giữa phố thị và thôn quê. Ngoài vai trò là cửa ngõ kết nối giao thông, các cửa ô Hà Nội còn là nơi trấn giữ bảo vệ Kinh thành. Vì vậy, nơi đây từng ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Hà Nội. Đặc biệt, các cửa ô còn là nơi chứng kiến đoàn quân chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.

Qua triển lãm, người dân và khách du lịch đến Hà Nội trong dịp này hiểu rõ hơn về các giá trị lịch sử của các cửa ô Hà Nội. Việc trưng bày các tư liệu về quá trình tiếp quản, giải phóng Thủ đô và những thay đổi suốt 70 năm qua sẽ khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.

Đọc thêm