Vì sao doanh nghiệp Thuận Phong phải khẩn thiết kêu cứu?

(PLO) - Ngày 13/10/2015. Đúng ngày Doanh nhân Việt Nam, trong lúc doanh nghiệp cả nước đang tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm, tôn vinh thì lãnh đạo Cty cổ phần SX&TM Thuận Phong (từ đây gọi tắt là Cty Thuận Phong) tìm đến gửi đơn khẩn thiết kêu cứu.

Ông Khiếu Mạnh Tường- Tổng Giám đốc Công ty khẳng định: Doanh nghiệp chúng tôi sản xuất và kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật, đang làm ăn rất yên ổn thì có những thông tin xuyên tạc, vu cáo dẫn tới việc xử lý không minh bạch đã khiến Công ty Thuận Phong chúng tôi đang rơi vào tình thế hết sức điêu đứng, đang lâm vào bờ vực phá sản. Toàn bộ cơ sở sản xuất của Công ty bị niêm phong, người lao động mất việc làm trong suốt hơn 5 tháng qua. Tình thế cùng cực đó đã buộc Tổng giám đốc Công ty phải đội đơn đi cầu cứu các cơ quan chức năng nhưng không được hồi âm.

Để rộng đường dư luận, báo Nhà báo & Công luận xin trích đăng một số nội dung cơ bản trong lá đơn kêu cứu này.
 

Xuất phát từ đơn tố cáo nặc danh, ngày 24/4/2015, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 QG đã chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai phối hợp với Phòng CSĐT PC46- Công an tỉnh Đồng Nai, VKSND tỉnh Đồng Nai, Thanh tra Sở NN&PTNT và một số cơ quan khác thực hiện việc kiểm tra xưởng sản xuất tại kho N15, đơn vị K88, KP7, phường Long Thành (TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) trực thuộc Cty Thuận Phong. Trụ sở văn phòng chính của Công ty cách xa khu sản xuất chừng 10km, là nơi hệ thống nhân sự văn phòng làm việc và lưu trữ hồ sơ, chứng từ. Do đột xuất và đồng thời Đoàn kiểm tra yêu cầu rất nhiều hạng mục hồ sơ giấy tờ (nhưng nhân sự lần lượt mang hồ sơ vào nhà máy lại không được phép quay trở ra), nên ngay thời điểm kiểm tra tại văn phòng kho, Cty Thuận Phong chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ, chứng từ (bản chính) theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.

Mặc dù trên nhãn phụ chúng tôi đã có thông tin bằng tiếng Việt, ghi rõ: Tên xuất xứ, công dụng, hướng dẫn sử dụng; tên nhà nhập, phân phối là Công ty cổ phẩn SX& TM Thuận Phong và trên nhãn chúng tôi thể hiện có chữ Made in USA. Theo kết luận của Đoàn tại Biên bản số 0032317/BB-KT cùng ngày, Công ty Thuận Phong có dấu hiệu giả nguồn gốc hàng hóa thương hiệu của Cty Bio Huma Netics Hoa Kỳ. Sau đó, toàn bộ khu vực nhà xưởng và kho hàng hoá của Cty Thuận Phong đã bị niêm phong.

Ngay khi xảy ra vụ việc, ngày 24/4, Cty Bio Huma Netics đã văn bản can thiệp tới Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM; sau đó, ngày 27/4, Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cũng đã có Công hàm gửi Trưởng ban, Phó Trưởng ban chỉ đạo 389/QG Quốc gia và Trưởng ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Đồng Nai về việc Cty Thuận Phong được sử dụng logo “Huma Gro” cho việc đóng gói/ sang chiết sản phẩm phục vụ cho việc phân phối tại Việt Nam.

Ngày 25/4 và các ngày tiếp theo, nhiều tờ báo đăng tin và hình ảnh với nội dung: bắt quả tang Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả…
Ngày 27/4, Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG tiếp tục có văn bản số 89/VPTT-TH gửi Cục Quản lý thị trường (Cục QLTT)- Bộ Công thương khẳng định việc phát hiện vi phạm SXKD phân bón giả của Cty Thuận Phong và để ngăn chặn kịp thời việc tiêu thụ phân bón giả, Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG đề nghị Cục QLTT chỉ đạo kiểm tra toàn bộ hệ thống đại lý phân phối của Cty Thuận Phong gửi kèm theo.

Ngày 06/5/2015, Cục QLTT có văn bản số 616/QLTT-KSCLHH chỉ đạo Chi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW kiểm tra tất cả các hệ thống đại lý của Cty Thuận Phong, nếu bán sản phẩm của Bio Huma Netics thì bị xử lý, nếu bán các sản phẩm do Cty Thuận Phong sản xuất thì kiểm tra và xử lý theo quy định.

Như vậy, khi Cty Thuận Phong đã cung cấp đủ hồ sơ để chứng minh không sản xuất, kinh doanh phân bón giải thương hiệu Bio Huma Netics và khi chưa có bất cứ kết luận nào của cơ quan chức năng; đồng thời, việc lấy mẫu phân tích cũng chưa được thực hiện, nhưng Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG đã cung cấp thông tin thiếu cơ sở cho báo, đài và khẳng định hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả của Cty Thuận Phong không căn cứ để chỉ đạo cơ quan QLTT kiểm tra toàn bộ khách hàng của Cty Thuận Phong; hệ quả tạo nên cơn bão dư luận, khiến chúng tôi mất hết uy tín, danh dự, kiệt quệ, khốn đốn về tài chính chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được.

Trong giai đoạn từ sau khi xảy ra vụ việc tới thời điểm hiện tại, Cty Thuận Phong thường xuyên làm việc với cơ quan PC46 Đồng Nai để làm rõ các nội dung và cung cấp thêm hồ sơ có liên quan tới vụ việc theo yêu cầu. Trong các nội dung làm việc với cơ quan điều tra, đều không có chứng cứ, cơ sở nào để thể hiện vụ việc Thuận Phong có dấu hiệu hình sự.

Nhưng khi cơ quan PC46 gửi báo cáo Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG về các nội dung diễn biến điều tra thì Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG (ông Trần Hùng) thường xuyên gây sức ép với các cơ quan chức năng tại địa phương để áp đặt, qui chụp Thuận Phong vi phạm 02 tội: sản xuất hàng giả và kinh doanh trái phép.

Do ông Trần Hùng luôn bảo vệ quan điểm, lập luận cá nhân và đưa thông tin quá sớm khẳng định vụ việc Thuận Phong sản xuất phân bón giải cho cơ quan báo chí và tác động gửi công văn chỉ đạo Cục quản lý thị trường kiểm tra, xử lý phân bón giả hiệu Bio Huma Netics của Thuận Phong khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng; đồng thời, báo cáo vụ việc Thuận Phong sai sự thật và cung cấp tài liệu không đầy đủ hoặc một chiều cho một số cơ quan Bộ chuyên ngành và Lãnh đạo cấp treen đã làm cho quá trình điều tra, xử lý vụ việc của Thuận Phong trở nên vô cùng phức tạp, kéo dài; đồng thời, đã đẩy Công ty Thuận Phong và người lao động tới bước đường cùng đối diện với nguy cơ bị khởi tố vụ án hình sự và phá sản.

Do đó, ngày 16/7/2015, Công ty Thuận Phong có Đơn kiến nghị tập thể tyrong đó đã trình bày rõ hành vi sai trái của ông Trần Hùng trong quá trình thi hành công vụ đã dồn ép doanh nghiệp tới bước đường cùng và kiến nghị Lãnh đạo Ban BCĐ 389/QG xem xét, chỉ đạo ngăn chặn kịp thời hành vi sai trái này, nhằm sớm kết thúc vụ việc theo qui định của pháp luật. Tuy nhiên, Đơn kiến nghị tới nay vẫn chưa được giải quyết.