Tháng 10/2008, một sáng kiến với tên gọi “Ngày phổ biến văn bản pháp luật” ra đời ở Tiền Giang, được Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang tham mưu UBND tỉnh áp dụng tại nhiều đơn vị nhà nước trên toàn tỉnh. Theo đó, mỗi đơn vị thu xếp một buổi để tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật. Kết quả tốt đẹp hơn mong đợi, mô hình này được nhiều địa phương học tập, áp dụng và sau đó, Bộ Tư pháp đã chính thức nâng lên thành Ngày Pháp luật với mục đích rộng lớn hơn.
Là nơi khởi phát mô hình, thế nên lẽ đương nhiên là ở Tiền Giang hoạt động Ngày Pháp luật được triển khai có phần sớm hơn, sâu rộng hơn và nhiều điểm mới lạ hơn so với nhiều địa phương khác. Theo ông Phạm Văn Chính - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang, tỉ lệ các cơ quan trên toàn tỉnh đã triển khai Ngày Pháp luật là 100%.
Con số này có giảm đôi chút đối với các tổ chức dân lập, tổ chức tự quản khác, nhưng cũng rất khả quan. Điều thú vị là Ngày Pháp luật ở Tiền Giang không đơn thuần chỉ là một ngày, một buổi để phổ biến pháp luật kiểu tuyên truyền trên văn bản. Bí quyết khiến Ngày Pháp luật ở Tiền Giang được người dân đón nhận một cách nhiệt tình, háo hức, trở thành thói quen hàng tháng của dân nằm ở hai chữ “lồng ghép”.
Ở Tiền Giang, có rất nhiều hội, nhiều tổ chức tự quản của dân. Các tổ chức này hoạt động sôi nổi, nhưng đó không chỉ là nơi để người dân sinh hoạt, làm phong phú đời sống, thắt chặt mối quan hệ thôn ấp… Các hội, tổ chức này còn là nơi góp phần “đắc lực” cho việc tuyên truyền phổ biến pháp luật mà cụ thể là triển khai Ngày Pháp luật. Đó lại là một sáng kiến của Sở Tư pháp Tiền Giang.
Với Tổ Góp vốn xoay vòng, mỗi tháng một thành viên của tổ đóng góp vào đấy một số tiền, cuối tháng sẽ bốc thăm xem ai nhận tiền, số tiền không nhiều nhưng đủ để họ sắm sanh thêm đồ đạc trong nhà, mua cây giống. Ngày bốc thăm nhận tiền, lúc bà con háo hức cũng chính là Ngày Pháp luật của Tổ.
Với Câu lạc bộ Tình thương – Trách nhiệm – nơi mà những người đã, đang và có nguy cơ phạm pháp là đối tượng tham gia sinh hoạt thì Ngày Pháp luật được tổ chức thường xuyên hơn, vào mỗi buổi sinh hoạt, lồng ghép vào các văn bản pháp luật là tình yêu thương giữa người với người, là trách nhiệm và lòng bao dung của cộng đồng với những mảnh đời lầm lỡ…
Rồi các tổ chức Nghiệp đoàn mô tô chở khách phòng chống tội phạm, Tổ an ninh công nhân… đều là nơi mà Ngày Pháp luật được tan chảy trong mỗi buổi sinh hoạt bằng những kiến thức rất thiết thực và phù hợp.
Tại Tiền Giang, dường như người ta có thể bắt gặp Ngày Pháp luật ở mọi sự kiện: Tiếp xúc cử tri, họp tổ dân phố, buổi giải ngân của ngân hàng, các phiên tòa… Dường như tại mảnh đất này, Ngày Pháp luật đã hòa vào sinh hoạt của người dân như một phần cuộc sống của họ.
Đi song song với Ngày Pháp luật là chương trình “Một tăng, bốn giảm”: Tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, từ đó mà giảm nghèo bền vững, giảm tỉ lệ tội phạm, giảm tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm, dịch bệnh. “Một tăng, bốn giảm” cũng là một trong những “thước đo” hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục nói chung và Ngày Pháp luật nói riêng.
Báo cáo sáu tháng đầu năm của chương trình đưa ra những con số đáng vui: Tình hình tai nạn giao thông đường bộ giảm cả ba mặt (số vụ giảm 14%, số người chết giảm 16%, số người bị thương giảm 29%); tình hình tội phạm về trật tự xã hội giảm 19,4%...
Những mô hình trong dân vẫn đang được thí điểm để đi vào hoạt động chính thức, những gương sáng đang được khen thưởng, động viên, những sáng kiến vẫn đang tiếp tục được đưa ra từ những cán bộ tư pháp tâm huyết với ngành…